Ủy ban Châu Âu đã phê duyệt một thành phần thực phẩm mới làm từ ấu trùng sâu bột khô và xay nhuyễn, dạng bọ cánh cứng non.
![09022025-con-trung-cho-thuc-pham-08480607761255119554539-14686388290261618079233-43370098356872357189389.webp](https://d300nzfp1n1jsy.cloudfront.net/09022025_con_trung_cho_thuc_pham_08480607761255119554539_14686388290261618079233_43370098356872357189389_6d5886f405.webp)
Ấu trùng sẽ được xử lý bằng tia cực tím (UV) - một quá trình tương tự như cách ánh sáng mặt trời quang hợp giúp da người sản xuất vitamin D.
Việc phê duyệt trên là một phần trong kế hoạch của EU nhằm giới thiệu các nguồn protein bền vững hơn và cho phép sử dụng tới 4% bột có nguồn gốc từ côn trùng trong các sản phẩm như bánh mì, pho mát, mì ống và mứt... Quy định có hiệu lực vào ngày 10/2.
Quyết định này dựa trên khuyến nghị khoa học của Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA), trong đó phát hiện ra rằng bột sâu bột được xử lý bằng tia UV an toàn ở mức độ được chấp thuận. EFSA lưu ý rằng mặc dù xử lý bằng tia UV làm tăng hàm lượng vitamin D3 nhưng nó không góp phần đáng kể vào lượng protein hấp thụ trong chế độ ăn uống.
Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo rằng một số người - trong đó có những người bị dị ứng với động vật có vỏ (nghêu sò ốc hến) hoặc mạt bụi - có thể bị phản ứng với protein sâu bột. EFSA đề xuất nghiên cứu thêm trong lĩnh vực này.
Ủy ban châu Âu đã yêu cầu dán nhãn rõ ràng đối với các loại thực phẩm có chứa bột sâu bột. Bao bì phải ghi rõ "có chứa vitamin D được tạo ra bằng phương pháp xử lý bằng tia UV" và hiển thị lượng vitamin D trong thông tin dinh dưỡng. Danh sách thành phần cũng phải nêu rõ thành phần có nguồn gốc từ côn trùng, đặc biệt là đối với người tiêu dùng bị dị ứng.
![EU phê duyệt sử dụng thành phần có nguồn gốc từ côn trùng cho thực phẩm - Ảnh 1.](https://cdn-images.vtv.vn/66349b6076cb4dee98746cf1/2025/02/08/09022025-con-trung-cho-thuc-pham-2-58476472238833153045091.png)
(Ảnh: Food Safety Magazine)
Quyết định này phù hợp với nỗ lực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) coi côn trùng là nguồn protein bền vững. So với chăn nuôi truyền thống, côn trùng cần ít đất, nước và thức ăn hơn, trong khi lại thải ra ít khí nhà kính hơn, khiến chúng trở thành lựa chọn thân thiện với môi trường hơn.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đã thúc đẩy việc sử dụng côn trùng như một giải pháp thay thế bền vững cho thịt. Năm 2021, diễn đàn mô tả việc nuôi côn trùng là một giải pháp xanh cho cuộc khủng hoảng lương thực đang gia tăng, nhấn mạnh vào lợi ích về cung cấp protein và sử dụng làm phân bón của nó. Năm 2022, WEF đã nêu ra 5 cách ăn côn trùng có thể chống lại biến đổi khí hậu bằng cách giảm lượng khí thải nhà kính liên quan đến chăn nuôi gia súc.
Việc phê duyệt trên đã bổ sung bột sâu bột vào danh sách các loại thực phẩm có nguồn gốc từ côn trùng được cấp phép của EU. Trước đó, Ủy ban châu Âu đã phê duyệt một số loại côn trùng khác, chẳng hạn như châu chấu di cư và dế nhà, ở dạng đông lạnh, khô và dạng bột.
Côn trùng từ lâu đã là được sử dụng làm đồ ăn thức uống ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin. Các quốc gia như Mexico và Thái Lan thường xuyên tiêu thụ dế, châu chấu và ấu trùng bọ cánh cứng. Gần đây, Singapore đã chấp thuận 16 loài côn trùng để con người tiêu thụ. Ở Mỹ và Canada, côn trùng được phân loại là thực phẩm mới lạ và cần được phê duyệt theo quy định.
(Nguồn: VTV)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này