Mặc dù mức lương đã tăng mạnh trong 5 năm qua, Cộng hòa Séc vẫn tiếp tục tụt lại phía sau so với các nước láng giềng phương Tây do các yếu tố cấu trúc và lịch sử.
Theo số liệu mới được tổng hợp bởi Euronews, người lao động tại Cộng hòa Séc vẫn tiếp tục nhận mức thu nhập thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của EU. Mặc dù mức lương có sự tăng trưởng ổn định, nhưng thu nhập tại Séc vẫn còn xa so với các nước Tây Âu, dù thực tế lại tương đối tốt khi so sánh với khu vực Trung và Đông Âu.
Euronews đã tính toán và so sánh mức lương trung bình hàng năm trước thuế (lương thô) cho các công việc toàn thời gian dựa trên dữ liệu mới nhất (năm 2023) từ Eurostat và OECD. Sau đó, tất cả mức lương địa phương được quy đổi sang euro.
Mức lương trung bình hàng tháng trước thuế tại Cộng hòa Séc vào năm ngoái là 1.955 euro (khoảng 48.000 korun), xếp thứ 17 trong số 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu. Trong khi đó mức trung bình toàn EU là 3.155 euro (tương đương khoảng 79.000 korun).
Sự chênh lệch mức lương trong Liên minh châu Âu bắt nguồn từ các yếu tố mang tính cấu trúc và lịch sử. Các nền kinh tế ở Trung và Đông Âu, bao gồm cả Cộng hòa Séc, thường có năng suất lao động thấp hơn so với các nước phương Tây — một hệ quả từ quá trình chuyển đổi sau chủ nghĩa cộng sản và sự tích lũy vốn chậm hơn.
Chuyên gia phân tích tài chính Sotirie Theodoropoulou chia sẻ với Euronews: “Những nền kinh tế có ngành công nghiệp phát triển, lĩnh vực tài chính hoặc công nghệ cao thường có năng suất cao hơn và do đó trả lương tốt hơn cho người lao động”. Bà cũng nhấn mạnh vai trò của thương lượng tập thể, vốn phổ biến và có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn ở các quốc gia có công đoàn lao động vững mạnh, góp phần nâng cao mức lương.
So sánh với các quốc gia châu Âu khác
Đứng đầu bảng xếp hạng là Luxembourg với mức lương trung bình cao nhất, đạt 6.755 euro (tương đương 169.000 korun), tiếp theo là Đan Mạch (khoảng 140.500 korun) và Ireland (121.947 korun). Các quốc gia có thu nhập cao khác bao gồm Bỉ (120.495 korun), Áo (113.264 korun) và Đức (105.986 euro).
Ở nhóm cuối bảng, Bulgaria ghi nhận mức lương danh nghĩa thấp nhất, ở mức 28.000 korun. Tổng cộng, có 10 quốc gia EU — bao gồm Romania, Hungary, Hy Lạp và Ba Lan — báo cáo mức lương trung bình hàng tháng trước thuế dưới 2.000 euro (tương đương 49.881 korun).
Cộng hòa Séc xếp trên một số nước láng giềng trong khu vực như Slovakia, Latvia và Croatia, nhưng vẫn đứng sau Bồ Đào Nha.
Khi điều chỉnh theo sức mua tương đương (PPP) — tức là có tính đến sự khác biệt về chi phí sinh hoạt — khoảng cách thu nhập được thu hẹp lại, nhưng Cộng hòa Séc vẫn chỉ xếp thứ 18 trong EU, với mức lương điều chỉnh là 2.322 euro (khoảng 58.000 korun).
Theo chỉ số PPP, Luxembourg vẫn giữ vị trí đầu bảng với mức 4.479 euro, tiếp theo là Bỉ (4.038 euro), Đan Mạch (3.904 euro) và Đức (3.898 euro). Hy Lạp xếp cuối trong bảng xếp hạng đã điều chỉnh này, ngay sau Slovakia, Bulgaria và Hungary.
Ở một khía cạnh tích cực hơn, Cộng hòa Séc ghi nhận mức tăng cao thứ 6 trong lương điều chỉnh trung bình cho công việc toàn thời gian từ năm 2018 đến 2023, với mức tăng đáng kể lên tới 45%.
Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy trong năm 2024, người lao động trên toàn Séc đã nhận mức tăng lương trung bình hàng tháng trước thuế là 7%, đưa mức lương trung bình của cả nước lên 46.165 korun (riêng tại Praha là 57.232 korun). Các nhà kinh tế dự báo rằng lương thực tế sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025, mặc dù tốc độ có thể chậm hơn so với năm ngoái.
Nguồn: expats
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này