Giá vàng SJC và vàng nhẫn thương hiệu lớn tại cửa hàng liên tục lập đỉnh và cao nhất lên tới 122,5 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và 119,5 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn. Trên thị trường "chợ đen", giá giao dịch hôm nay cao hơn 4 triệu đồng/lượng so với giá niêm yết.
Xếp hàng mua vàng mọi lúc, mọi nơi
Hôm nay (18/4) là ngày thứ 3 người dân tràn xuống đường xếp hàng mua vàng tại các cửa hàng thương hiệu lớn. Bất chấp giá vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu sáng nay vọt lên 119,5 triệu đồng/lượng - giá cao nhất mọi thời đại, lượng người mua vào vẫn đông hơn bán ra.

Đại diện cửa hàng Bảo Tín Minh Châu cho biết, sáng nay, lượng khách mua chiếm 70%, khách bán ra chiếm 30%. Hôm nay cửa hàng bán mỗi khách 1 chỉ vàng.
Đáng ngạc nhiên, trên "chợ mạng", nhiều dân mua "gom" trả giá vàng cao hơn 4 triệu đồng/lượng với giá niêm yết. Như vậy, giá giao dịch với vàng miếng SJC lên tới 126,5 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn 123,5 triệu đồng/lượng. Mỗi lần có thông tin rao bán vàng trên hội nhóm mạng xã hội, khách cũng phải xếp hàng vào trả giá.
Giá vàng trong nước hôm nay tăng bất thường trong khi giá vàng thế giới đứng im ở mốc 3.327 USD/ounce (tương đương 104,7 triệu đồng/lượng).
Hiện, giá vàng trong nước cao hơn thế giới tới gần 18 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao kỷ lục tái hiện lại thời kỳ trước khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp ổn định thị trường vàng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định giá vàng đã tăng vượt mọi dự báo và không có tiền lệ. Điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường, điển hình như buôn lậu vàng gia tăng, lừa đảo, vàng giả… đẩy rủi ro lớn về phía người mua vàng.
“Nhìn chung những bất ổn trên toàn cầu đang càng ngày càng mạnh mẽ hơn. Kinh tế thế giới có thể sẽ đi vào giai đoạn khó khăn, thậm chí suy thoái. Mọi yếu tố cơ bản đều hỗ trợ giá vàng trong trung và dài hạn. Vàng có thể tăng lên khoảng 3.500 USD/ounce ngay trong giai đoạn này, dễ dẫn tới cơn "sốt" vàng trên toàn thế giới”, ông Hiếu nhận định.
Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Ngân hàng Nhà nước đưa ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng quốc tế tăng trong thời gian qua:
Thứ nhất, bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên phạm vi toàn cầu như xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài, tiếp theo đó là các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về kinh tế, chính trị giữa nhiều quốc gia...
Thứ hai, nhiều Ngân hàng Trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối cũng là lý do quan trọng khiến giá vàng tăng.
Thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng… Trong nước, giá vàng SJC diễn biến cùng chiều với giá thế giới, từ mức 84,05 triệu đồng/lượng vào ngày đầu năm, tăng lên quanh mức 100,4 triệu đồng/lượng ngày 19/3.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng tăng cao là diễn biến chung của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước. Về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai quản lý thị trường vàng trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động quản lý kinh doanh vàng, trong đó trọng tâm là tổng kết Nghị định số 24 để đề xuất, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn.
Nguồn: tienphong.vn
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này