Hạ viện Anh đã thông qua dự luật trợ tử, với 330 phiếu thuận và 275 phiếu chống, đưa Anh trở thành một trong những nước đông dân nhất hợp pháp hóa trợ tử.
Các thành viên Quốc hội Anh vừa bỏ phiếu hợp pháp hóa trợ tử, phê chuẩn một đề xuất gây tranh cãi sẽ khiến Vương quốc Anh trở thành một trong số ít các quốc gia cho phép các bệnh nhân giai đoạn cuối kết thúc cuộc đời mình.
Sau cuộc tranh luận đầy cảm xúc kéo dài nhiều giờ đồng hồ, Hạ viện Anh hôm 29-11 đã thông qua dự luật trợ tử, với tỉ lệ bỏ phiếu 330 phiếu thuận và 275 phiếu chống, theo Đài CNN.
Rất hiếm khi các nhà lập pháp Anh phải tự đưa ra quyết định cá nhân về một vấn đề riêng tư như vậy. Chính vì vậy nhiều người vô cùng đắn đo về lựa chọn bỏ phiếu của chính họ.
Một số đại biểu ủng hộ biện pháp trợ tử lập luận rằng dự luật mới sẽ khiến bệnh nhân ra đi bớt đau đớn hơn.
Trong khi các nghị sĩ khác lại lo ngại bệnh nhân có thể cảm thấy bị ép buộc lựa chọn trợ tử, đồng thời hệ thống chăm sóc sức khỏe trong nước chưa sẵn sàng trước sự thay đổi mang tính bước ngoặt như vậy, theo Hãng tin AFP.
Theo quy định trong dự luật, những bệnh nhân giai đoạn cuối và chỉ có thể sống dưới 6 tháng được phép sử dụng chất trợ tử, với điều kiện họ đủ khả năng để đưa ra quyết định.
Sau đó, 2 bác sĩ và 1 thẩm phán Tòa án tối cao sẽ phê duyệt nguyện vọng này.
Dự luật vẫn cần được thông qua tại Thượng viện và Ủy ban Quốc hội, nhưng cuộc bỏ phiếu ngày 29-11 tại Hạ viện được cho là rào cản lớn nhất.
Nước Anh đang chuẩn bị gia nhập nhóm nhỏ các quốc gia hợp pháp hóa quy trình trợ tử, đồng thời trở thành một trong những nước đông dân nhất cho phép hoạt động này diễn ra.
Hiện nay Canada, New Zealand, Tây Ban Nha, phần lớn các bang của Úc, cũng như một số bang của Mỹ như Oregon, Washington và California đã hợp pháp hóa trợ tử.
Dự luật mới của Anh được đề xuất dựa trên mô hình của bang Oregon, có phần hạn chế hơn so với Thụy Sĩ, Hà Lan và Canada - những quốc gia cho phép cả trợ tử và an tử trong trường hợp một người phải trải qua nỗi đau khổ không thể chịu đựng được, không giới hạn ở những bệnh nhân mắc bệnh nan y giai đoạn cuối.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này