Ngày 14-12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol liên quan ban bố thiết quân luật hôm 3-12 với 204/300 phiếu ủng hộ.
Điều này đồng nghĩa rằng Tổng thống Yoon tạm thời mất đi quyền lực cho đến khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đưa ra phán quyết cuối cùng.
Chưa phải điểm kết thúc
Đây là lần bỏ phiếu thứ hai, sau cuộc bỏ phiếu thất bại hồi tuần trước. Tuy nhiên khác với lần đầu tiên, lần bỏ phiếu này có xác suất thành công cao hơn, đặc biệt là sau khi một số thành viên Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền của ông Yoon, trong đó có lãnh đạo Han Dong Hoon, "quay xe" tuyên bố ủng hộ việc bỏ phiếu kiến nghị luận tội.
Việc thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon không là điểm kết thúc của câu chuyện. Ngược lại, vụ việc sẽ mở ra vô vàn kịch bản tiếp theo tại chính trường Hàn. Những sự thay đổi đó dù nhỏ hay lớn đều dẫn đến nhiều tác động đến xứ sở kim chi cũng như quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và các nước.
Có thể thấy chính trường Hàn Quốc tồn tại rất nhiều sự chia rẽ, bao gồm chia rẽ nhỏ và chia rẽ lớn. Chia rẽ lớn đến từ sự khác biệt về lập trường giữa đảng cầm quyền và các đảng đối lập, và sự chia rẽ nhỏ đến từ ngay nội bộ đảng cầm quyền.
Cuộc bỏ phiếu về kiến nghị luận tội được thông qua hôm 14-12 với 204/300 phiếu ủng hộ đã phản ánh sự chia rẽ trong liên minh cầm quyền về thái độ đối với nhà lãnh đạo Hàn Quốc, dù trước đó vài tiếng đảng này đã họp để thống nhất lập trường cuối cùng. Chính sự mâu thuẫn này góp phần tạo ra sự bế tắc chính trị rộng khắp, cản trở những quyết định dứt khoát và khiến tương lai của nền chính trị Hàn Quốc trở nên mơ hồ và thiếu chắc chắn.
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ có 180 ngày để ra phán quyết về tương lai của ông Yoon. Trong trường hợp tòa án bãi nhiệm ông Yoon hoặc ông quyết định từ chức, một cuộc bầu cử tổng thống mới phải được tổ chức trong 60 ngày tiếp theo. Điều này có nghĩa là Hàn Quốc cần một thời gian tương đối dài trước khi có một tổng thống mới để đứng ra dàn xếp mọi chuyện.
Trong kịch bản ông Yoon lật ngược tình thế và trở lại làm tổng thống, chính trường Hàn nhiều khả năng sẽ tiếp tục "đi vào ngõ cụt" khi sự tín nhiệm của người dân dành cho nhân vật chính trị đã giảm xuống 11%, một con số thấp kỷ lục. Các cuộc biểu tình có thể liên tục xuất hiện gây bất ổn xã hội.
Theo quan điểm của báo Washington Post, Seoul đang sa lầy trong một cuộc khủng hoảng nội bộ và không ai biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu. Giáo sư Choi Jong Kun tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc) đánh giá: "Chúng ta đang thật sự gặp phải rắc rối trong tháng này".
Theo Hãng tin AFP và Reuters, khi kiến nghị được thông qua, Thủ tướng Han Duck Soo đảm nhiệm vai trò tổng thống lâm thời. Như vậy Hàn Quốc tồn tại "khoảng trống quyền lực" trong thời gian chờ Tòa án Hiến pháp xem xét các cáo buộc luận tội. Điểm đặc biệt là sự kiện này xảy ra trùng với thời điểm chuyển giao quyền lực tại Mỹ khi ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng vào tháng 1-2025.
Theo quan điểm của các nhà phân tích, khoảng trống quyền lực ở Hàn Quốc - một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Á - có thể khiến Seoul rơi vào tình huống yếu thế trong quan hệ với Washington, đồng thời khiến xứ sở kim chi giảm "sức đề kháng" trong việc ứng phó với các điều chỉnh về chính sách đối ngoại và thương mại dưới chính quyền Trump 2.0.
Cần lưu ý rằng Tổng thống đắc cử Trump trước đó đã đe dọa áp thuế cao hơn và nhiều lần nhắc đến việc Hàn Quốc nên trả các khoản tiền lớn để duy trì khoảng 30.000 binh sĩ Mỹ đang đóng quân trên bán đảo Triều Tiên, theo tờ New York Times.
Theo ông Michael Green - cựu giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush, Hàn Quốc cần một nhà lãnh đạo uy tín và cứng rắn khi ông Trump quay trở lại nắm quyền bởi tổng thống 78 tuổi của Mỹ đôi khi tỏ ra hoài nghi về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc.
Ông Green cho rằng ông Yoon có thể là người phù hợp, nhưng giờ đây sự nghiệp chính trị của nhà lãnh đạo Hàn Quốc đang trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", vì vậy quan hệ Mỹ - Hàn có thể gặp chút biến động trong tương lai.
Nhìn chung tình trạng chính trị hỗn loạn ở Hàn Quốc sau cuộc bỏ phiếu nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc, vốn đóng vai trò trung tâm trong việc kiềm chế Triều Tiên và hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Câu chuyện nội bộ
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Tuấn Khanh - giảng viên khoa quan hệ quốc tế Trường đại học KHXH&NV TP.HCM - đánh giá việc Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon nói riêng và khủng hoảng chính trị nội bộ tại nước này nói chung chỉ mới là câu chuyện nội bộ của một nước, mà bên ngoài không can thiệp vào.
"Cá nhân ông Yoon không phải là một nhân vật chính trị mà Mỹ hay Nhật Bản thật sự xem như một quân cờ chi phối chính trị Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc dù có bị luận tội hay bỏ tù thì các hoạt động trong hệ thống chính trị vẫn vận hành, nghĩa là vẫn sẽ có tổng thống mới trong tương lai và chủ trương đường lối ngoại giao với Mỹ có thể không thay đổi đáng kể", ông Khanh nêu.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này