Căng thẳng kéo dài, áp lực về hiệu suất và luôn phải trong trạng trái sẵn sàng – đó là những yếu tố có thể dẫn đến hội chứng kiệt sức, tức là trạng thái khi con người đánh mất động lực, sức lực và cả ý nghĩa không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống hằng ngày.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây là căn bệnh phát sinh từ tình trạng làm việc quá sức, ảnh hưởng đến năng suất lao động cũng như đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Theo cảnh báo của tổ chức phi lợi nhuận Loono, cứ trong 5 người Séc thì có 1 người đang phải đối mặt với hội chứng này.
Bác sĩ Kateřina Šédová, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Loono giải thích: “Hội chứng kiệt sức có thể ẩn sau cảm giác mệt mỏi hoặc căng thẳng tưởng chừng như bình thường. Mọi người thường bỏ qua vì cho rằng đó chỉ là do đang trải qua một giai đoạn khó khăn hơn bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy kiệt quệ trong thời gian dài, mất động lực và không còn niềm vui – không chỉ trong công việc mà cả trong những điều trước kia từng khiến bạn hạnh phúc – thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn.”
Bệnh này ảnh hưởng đến ai và biểu hiện ra sao?
Căn bệnh của thời hiện đại này không chỉ tác động đến các nhà quản lý hay những nghề nghiệp đòi hỏi cống hiến cao như bác sĩ, nhà tâm lý học hay giáo viên. Nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai.
Hội chứng thường xuất hiện ở những người dốc toàn bộ sức lực cho công việc, đặt ra yêu cầu cao đối với bản thân và trong thời gian dài cảm thấy rằng những nỗ lực của họ không được công nhận một cách xứng đáng.
Tuy nhiên, hội chứng này không chỉ giới hạn trong môi trường công việc – nó cũng có thể xuất hiện ở các lĩnh vực khác của cuộc sống, ví dụ như ở cha mẹ có con nhỏ hoặc ở những người chăm sóc người thân trong thời gian dài. Những người cầu toàn, nghiện công việc và những người có ý thức trách nhiệm mạnh mẽ thường có nguy cơ cao hơn. Theo một nghiên cứu quy mô lớn, cứ 5 người Séc thì có 1 người đang phải đối mặt với hội chứng kiệt sức, như tổ chức Loono và công ty bảo hiểm y tế VZP cùng nhấn mạnh.
Những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên là gì? Mệt mỏi, cảm giác thất vọng và mất dần động lực. Nếu những trạng thái này bị xem nhẹ trong thời gian dài, chúng có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần cũng như thể chất.
Giai đoạn đầu của hội chứng kiệt sức thực ra có phần nghịch lý – người bệnh thường bắt đầu bằng cảm giác tràn đầy năng lượng, làm việc hết sức mình, dốc toàn bộ tâm huyết vào công việc. Tuy nhiên, họ đồng thời cảm thấy rằng nỗ lực của mình không được đánh giá đúng mức và rằng mọi thứ họ làm vẫn là chưa đủ. Trong giai đoạn này, rất ít người nhận ra rằng họ đang gặp vấn đề.
Ở các giai đoạn tiếp theo, người bệnh bắt đầu dần mất năng lượng, cảm giác thất vọng gia tăng và dần đánh mất ý nghĩa – không chỉ trong công việc mà cả trong đời sống cá nhân. Các triệu chứng của hội chứng kiệt sức thậm chí có thể dẫn đến rạn nứt các mối quan hệ trong gia đình, tình cảm và bạn bè.
Phòng ngừa là chìa khóa cho sức khỏe tinh thần
Tin tốt là hội chứng kiệt sức hoàn toàn có thể phòng tránh được – chủ yếu bằng cách duy trì sự cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân.
Yếu tố then chốt là khả năng xây dựng các mối quan hệ chất lượng với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, cũng như không ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ khi cảm thấy cần thiết.
Quan trọng không kém là việc nhận thức được giới hạn của bản thân và không ngại nói "không" trong những tình huống tự cảm thấy mình đã gần chạm đến ranh giới chịu đựng.
Nghỉ ngơi cũng đóng vai trò thiết yếu – giấc ngủ chất lượng, những khoảng dừng hợp lý trong ngày và thời gian thư giãn không nên bị coi là điều xa xỉ, mà là nhu cầu thiết yếu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên bỏ qua những hoạt động mang lại niềm vui và cảm giác trọn vẹn – dù đó là sở thích cá nhân, chơi thể thao hay đơn giản là ở ngoài thiên nhiên.
Vận động giúp cải thiện tâm trạng và làm giảm mức độ căng thẳng. Việc ở ngoài trời cho phép chúng ta “ngắt kết nối” khỏi áp lực hàng ngày và tái tạo năng lượng.
Cảm giác quá tải thường xuất phát từ việc luôn phải sẵn sàng và chịu áp lực phải trực tuyến 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Việc thiết lập ranh giới rõ ràng giữa công việc và đời sống cá nhân hay hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội có thể mang lại tác động tích cực cho sức khỏe tinh thần.
“Phòng ngừa là yếu tố then chốt – nếu chúng ta học cách nhận biết rõ hơn giới hạn của chính mình, chăm sóc sức khỏe tinh thần và kịp thời cho phép bản thân nghỉ ngơi, thì có thể tránh được kiệt sức. Đây không chỉ là vấn đề làm việc quá sức, mà còn là về sự cân bằng tổng thể giữa những gì ta cho đi và những gì ta nhận lại,” bác sĩ Kateřina Šédová nhấn mạnh.
Phải làm gì khi xuất hiện các triệu chứng?
Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu của hội chứng kiệt sức, tuyệt đối không nên xem nhẹ hay phớt lờ chúng. Hãy chia sẻ cảm xúc của mình với người thân, tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia và cố gắng giảm nhịp độ cuộc sống.
Đôi khi, một kỳ nghỉ dài hơn, điều chỉnh lịch làm việc hoặc thậm chí thay đổi định hướng nghề nghiệp có thể mang lại sự cải thiện rõ rệt.
Điều quan trọng là không nên cố gắng giải quyết mọi thứ ngay lập tức – điều đó chỉ có thể làm tăng thêm áp lực và căng thẳng.
“Hội chứng kiệt sức không phải là cái cớ hay biểu hiện của sự yếu đuối. Đó là một vấn đề thực sự, cần được quan tâm đúng mức. Và chúng ta càng sớm chú ý đến nó, thì khả năng phòng tránh thành công càng cao,” bác sĩ Kateřina Šédová nói thêm.
Nguồn: CNN Prima NEWS
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này