Hai du khách đã phát hiện ra một kho báu bằng vàng trên sườn phía tây nam của đỉnh núi Zvičina, gần thị trấn Dvůr Králové nad Labem, vào tháng 2 vừa qua.

Kho báu với giá trị ước tính hơn 7,5 triệu korun đã nằm dưới đất nhiều thập kỷ. Hai chiếc hộp đựng đầy tiền vàng, trang sức và các vật phẩm khác, có tổng khối lượng lên tới 7 kg, đã được những người phát hiện nộp lại cho Bảo tàng Đông Séc (MVČ) ở Hradec Králové. Trong đó, 3,7 kg là tiền xu bằng vàng chắc chắn, theo ông Miroslav Novák - trưởng bộ phận khảo cổ học của bảo tàng. Các vật phẩm kim loại còn lại đang được các nhà khoa học phân tích. Những chiếc hộp được chôn vào thế kỷ 20 trong một gò đá nhân tạo bên rìa một cánh đồng bỏ hoang, hiện nay đã bị rừng bao phủ.
“Chiếc hộp nhôm nhô lên khỏi bề mặt của gò đá chứa tổng cộng 598 đồng xu, được chia thành 11 cột và cuộn trong vải. Trong chiếc hộp kim loại được tìm thấy cách đó khoảng một mét là các đồ vật bằng kim loại màu vàng gồm 16 hộp thuốc lá, 10 vòng tay, một túi lưới kim loại mịn, một chiếc lược, một sợi dây chuyền có chìa khóa và một hộp phấn,” ông Novák cho biết.
Theo các chuyên gia, kho tiền xu này không chỉ đơn thuần là tiền tệ đang lưu hành vào thời kỳ đó. “Kho báu có thể đã được chôn cất cách đây không quá 100 năm. Dựa vào năm được đóng trên tiền xu, có niên đại từ năm 1808 đến 1915,” nhà tiền tệ học Vojtěch Brádle từ MVČ giải thích. Tuy nhiên, theo ông, năm 1915 không phải là yếu tố quyết định thời điểm kho báu được chôn cất.
Bộ sưu tập đặc biệt
“Điều đặc biệt là có một vài đồng xu mang dấu nhỏ gọi là ‘kontramarka’, có thể được đóng sau Thế chiến thứ nhất. Một số đồng xu được đóng dấu tại lãnh thổ Nam Tư cũ trong những năm 1920 và 1930,” Brádle giải thích.
So với các phát hiện tương tự ở Séc, đây là một bộ sưu tập rất đặc biệt xét về thành phần. “Phần lớn là tiền xu có nguồn gốc từ Pháp, bên cạnh đó còn có tiền Áo–Hung, Bỉ và cả Đế quốc Ottoman. Ngược lại, hoàn toàn không có tiền Đức hay Tiệp Khắc,” ông Brádle nói thêm.

Người tìm thấy sẽ được thưởng gì?
Đối với những vật ngoài tiền xu, Phân viện xác định kim loại quý sẽ phân tích thành phần để xác định cách bảo tồn phù hợp, giá trị pháp lý của kho báu và các khả năng trưng bày sau này. “Với giá kim loại quý hiện tại, giá trị của kho báu có thể từ 7,5 triệu korun trở lên,” ông Novák nói. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh giá trị lịch sử của kho báu là vô giá.
Tiền thưởng cho người phát hiện được xác định theo luật Di sản Văn hóa của nhà nước. Mức thưởng có thể tính theo giá trị kim loại quý hoặc theo giá trị lịch sử–văn hóa của món đồ dựa trên nhận định chuyên môn. Với kim loại quý, phần thưởng có thể bằng giá trị vật liệu; với vật phẩm khảo cổ học khác, lên đến 10% giá trị văn hóa.

Tuổi của số kho báu gây bất ngờ
Ông Novák nhận định đây là một phát hiện hiếm có và đáng giá. Điều gây ngạc nhiên là độ tuổi tương đối thấp của kho báu. “Trong khi kho báu từ thời tiền sử thường chỉ có thể phỏng đoán nguyên do cất giấu một cách mơ hồ, thì trong trường hợp này, chúng ta có thể nghiên cứu chi tiết hơn từ các tài liệu lưu trữ thời đó – dù điều này lại khiến việc nghiên cứu trở nên phức tạp hơn,” ông nói.


Khái niệm “depot” (kho báu khảo cổ) dùng để chỉ tập hợp nhiều vật phẩm được chôn cất cùng một lúc tại một địa điểm.
“Chôn cất các vật quý trọng dưới dạng depot là tập tục có từ thời tiền sử. Ban đầu thường là vì lý do tôn giáo, sau này là do lo sợ trong thời kỳ bất ổn với ý định sẽ quay lại lấy sau khi tình hình ổn định. Điểm nổi bật trong phát hiện lần này là khối lượng kim loại quý lớn một cách khác thường,” ông Novák bổ sung.
Theo các chuyên gia, kho báu có thể liên quan đến việc người Séc bị trục xuất năm 1938, việc di dời người Đức nói tiếng Đức sau chiến tranh, hoặc là phản ứng với cuộc cải cách tiền tệ thời kỳ cộng sản.
(Theo CNN Prima news)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này