Làm gì trong trường hợp khẩn cấp tại Séc
Uncategorized
author22/02/2020 07:04

Trong chương này bạn sẽ biết phải làm những gì khi bạn hoặc người xung quanh gặp tình huống khẩn cấp và cần phải liên hệ với số điện thoại khẩn cấp để gọi một trong những thành phần của hệ thống cứu hộ tích hợp – cảnh sát, cứu hỏa hoặc cứu thương. Tại đây có nêu tất cả mọi số điện thoại quan trọng.

Tại đây cũng có những lời khuyên hữu ích phải làm gì khi gặp tình huống khẩn cấp – cụ thể khi bị mất điện, rò rỉ chất độc hại, cần phải sơ tán hoặc có nguy cơ lũ lụt.

  • Thông báo sự kiện vào số điện thoại khẩn cấp
  • Phải làm gì khi mất điện
  • Quy tắc xử sự khi rò rỉ chất độc hại
  • Sơ tán
  • Phải làm gì khi lũ lụt

Thông báo sự kiện vào số điện thoại khẩn cấp

Bạn nhìn thấy tai nạn hoặc có ai đang bị nguy hiểm đến tính mạng? Bạn tìm thấy đồ vật khả nghi? Hàng xóm bật nhạc to làm phiền bạn sau 10 giờ tối? Tại đây bạn sẽ biết được phải làm những gì khi bạn hoặc người xung quanh cần gọi cấp cứu, cảnh sát hoặc cứu hỏa.

Trước khi gọi điện

  • Hãy làm tất cả mọi thứ cho sự an toàn của chính mình (đứng xa chỗ xảy ra sự việc).
  • Tìm hiểu tình hình xung quanh.

Trong khi gọi điện

Hãy báo cho người trực tổng đài số điện thoại khẩn cấp

  • Đã xảy ra chuyện gì
  • Ở đâu xảy ra chuyện đấy
  • Ai đang gọi điện
  • Bao nhiêu người cần giúp đỡ
  • Bạn đừng cúp máy – có thể người trực tổng đài sẽ có những câu hỏi tiếp theo

Sau cuộc gọi

  • Đừng tắt điện thoại – người trực tổng đài có thể sẽ gọi lại cho bạn để xác minh hoặc làm rõ các thông tin

Số điện thoại khẩn cấp

Tất cả các số điện thoại dưới đây hoạt động 24/7. Các số này gọi miễn phí và thậm chí có thể gọi từ số di động không còn tiền.

112 – số điện thoại khẩn cấp hợp nhất

  • Khi xảy ra sự kiện cần nhiều thành phần giúp đỡ
  • Số điện thoại này kết nối tất cả thành phần của hệ thống cứu hộ tích hợp
  • Người trực tổng đài có thể nói cả ngoại ngữ
  • Có thể gọi vào đường dây này mà không cần thẻ SIM

150 – cứu hỏa

  • Khi gặp hỏa hoạn, tai nạn luôn cần cứu hộ và dọn dẹp

155 – cứu thương

  • Khi bị hỏng chức năng các cơ quan quan trọng, bị thương nặng hoặc ốm nặng

158 – Cảnh sát CH Séc

  • Khi bị nguy hiểm (trộm cắp, bạo lực, tìm thấy xác người, tìm thấy đồ vật khả nghi, tai nạn giao thông v.v..)

156 – cảnh sát thành phố (xã)

  • Khi vi phạm trật tự công cộng ở xã có cảnh sát xã.

Làm gì khi mất điện

Dưới đây bạn sẽ biết phải chú ý điều gì khi bị mất điện trong một thời gian dài và chuẩn bị trước cho tình huống đó như thế nào.

  • Hãy sử dụng đèn pin để chiếu sáng khẩn cấp; khi dùng nến có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.
  • Hãy tắt và rút phích cắm của tất cả mọi thiết bị, đồ dùng gia dụng (máy điều hòa) hoặc đồ điện tử sử dụng trong nhà.
  • Hãy để một cái đèn ở trạng thái bật để bạn có thể biết được ngay lúc nào có điện lại.
  • Hãy nghe đài địa phương để cập nhật thông tin, hãy theo dõi tin tức được bỏ vào hòm thư.
  • Hãy để tủ lạnh và tủ đá ở trạng thái đóng để đồ ăn không bị hỏng.
  • Nếu bạn đang dùng thuốc cần để mát, bạn nên cho mấy chai nước vào tủ lạnh để có thể giữ mát được lâu hơn và thuốc có thể để trong tủ lạnh mấy tiếng.
  • Chỉ dùng điện thoại di động cho trường hợp khẩn cấp, chỉ khi nào bị nguy hiểm đến tính mạng mới gọi vào số 112, 150, 155, 156 và 158. Nếu không gọi được vào số 122, nên tháo thẻ SIM ra khỏi điện thoại.
  • Nên hạn chế đi lại trừ phi thật cần thiết, nhất là không nên đi ô tô, đèn giao thông khi mất điện sẽ không hoạt động và có nguy cơ xảy ra tắc nghẽn giao thông.
  • Đừng mở máy phát điện trong không gian kín – khi dùng máy phát điện hãy cắm thiết bị bạn muốn nạp điện thẳng vào ổ cắm điện của máy phát điện; đừng cắm máy phát điện vào hệ thống điện của nhà.
  • Vào mùa đông bạn nên mặc ấm, hãy chọn quần áo phù hợp. Đừng sưởi ấm bằng thiết bị sử dụng ngoài trời – có nguy cơ bị ngộ độc carbon monoxide.
  • Vào những ngày nóng đừng coi nhẹ khả năng cơ thể bị mất nước – hãy uống nước từ nguồn đã được xét nghiệm (tốt nhất là nước đóng chai).
  • Vệ sinh cá nhân – hãy cố gắng giữ gìn vệ sinh trong khả năng của mình vì những người xung quanh.

Chuẩn bị những gì khi mất điện

Hãy chuẩn bị những đồ dùng cơ bản, ví dụ như:

  • Đèn pin
  • Đài xách tay
  • Dự trữ nước
  • Dự trữ lương khô, đồ hộp (ví dụ thịt hộp hoặc rau hộp), thịt khô, sữa dài hạn, bánh quy, sô-cô-la, kẹo thanh năng lượng, hoa quả khô, hạt dẻ, đường, mật ong, si-rô v.v..
  • Bếp gas
  • Đồ vệ sinh, khăn ướt, gel tẩy trùng cho tay, chất tẩy trùng savo
  • Nếu bạn dùng máy tính, cần phải thường xuyên sao lưu dữ liệu và hệ thống điều hành
  • Hãy để bình xăng của ô tô luôn có ít nhất một nửa
  • Hãy chuẩn bị hành lý sơ tán

Trong trường hợp sơ tán thú cưng:

  • Hãy mang mèo hoặc chó nhỏ trong lồng xách tay. Chó to dắt bằng dây xích và đeo rọ mõm.
  • Thú cưng ngoại lai có thể nhịn ăn một thời gian dài thì ngược lại nên đảm bảo an toàn và để ở nhà.

Đảm bảo nhà an toàn khi sơ tán

  • Hãy khóa mọi nguồn điện, gas và nước (tắt cầu chì)
  • Khóa chặt cửa sổ và cửa ra vào.
  • Làm sạch tủ lạnh và tủ đá. Thực phẩm dễ ôi thiu hãy vứt bỏ vào chỗ tương ứng.
  • Hãy đảm bảo nhà được bảo vệ chống trộm.
  • Hãy dập tắt lửa trong lò sưởi.

Quy tắc xử lý khi bị rò rỉ chất độc hại

Sự cố rò rỉ chất hóa học thường xảy ra đột ngột và bất ngờ. Trong trường hợp như vậy không thể tự giải quyết và tìm chỗ trú cho chính mình. Vì vậy nên trang bị đầy đủ thông tin làm sao để biết tin về mối đe dọa và phải làm những bước gì tiếp theo. Bạn sẽ tìm thấy những thông tin đấy ở chương tiếp theo. Xin hãy đọc nó thật kỹ!

Phương pháp cảnh báo

  • Thông qua tín hiệu cảnh báo của hệ thống cảnh báo chung (giai điệu lên xuống trong vòng 140 giây)
  • Từ đài phát thanh xã hoặc xe phát thanh, từ internet, tin nhắn của ủy ban địa phương, đài truyền hình cáp địa phương
  • Khi xảy ra sự cố lớn thông qua đài phát thanh toàn quốc và các đài truyền hình
signal-vn

Bạn không được đánh giá thấp bất kỳ thông tin nào về khả năng xảy ra sự cố. Kể cả khi thông tin không được kiểm chứng, lúc đầu cần phải coi nó là đáng tin cậy!

Những dấu hiệu của sự cố

  • Sương mù
  • Không khí lượn sóng trên tòa nhà bị sự cố
  • Ngọn lửa trong hỏa hoạn có màu bất thường
  • Mùi
  • Bề mặt của những vật liệu chịu lửa tự bốc cháy
  • Tiếng rít của ga bị rò rỉ, tiếng nổ, tiếng nứt vỡ của vật liệu

Quy tắc xử lý

  • Đừng tiến gần đến chỗ xảy ra sự cố
  • Nếu bạn đang ở ngoài đường, hãy trốn vào tòa nhà gần nhất
  • Nếu bạn đang ở nhà, đừng đi đâu cả
  • Hãy trú ở tầng cao nhất, ở chỗ hướng khác so với chỗ xảy ra sự cố
  • Đừng tìm chỗ trốn ở nhà kho và tầng hầm
  • Hãy tắt máy điều hòa và máy thông gió
  • Hãy đóng cửa sổ và cửa ra vào và dán băng dính xung quanh cửa (giảm thiểu số lượng chất độc thâm nhập vào nhà đến tận 10x)
  • Nếu bạn đang ở trong ô tô, đừng mở cửa thông gió, đừng mở cửa, hãy tắt quạt thông gió
  • Hãy theo dõi các phương tiện truyền thông (đài truyền hình, đài phát thanh địa phương, xe phát thanh, internet)
  • Nếu xung quanh bạn không có chỗ trú, hãy rời bỏ chỗ nguy hiểm một cách nhanh nhất theo hướng vuông góc với hướng gió
  • Tùy theo điều kiện, hãy bảo vệ bằng các phương tiện ứng biến

Các phương tiện bảo vệ ứng biến

  • Để bảo vệ đường hô hấp hãy dùng khẩu trang ướt (bằng khăn tay hoặc miếng vải khác)
  • Hãy bảo vệ đầu bằng mũ, mũ ninja hoặc khăn để món đồ đó che cả trán, tai lẫn cổ.
  • Hãy bảo vệ mắt bằng kính kín (ví dụ kính trượt tuyết hoặc kính lặn), hãy dán băng dính phần cắm ống thở ở kính lặn. Trong trường hợp không có kính như vậy có thể bảo vệ mắt bằng cách trùm túi nilon trong qua đầu và buộc dây vải hoặc dây chun ở tầm xương gò má (túi nilon không được che mũi, nguy cơ bị ngạt).
  • Để bảo vệ người hãy dùng bộ áo liền quần, áo dạ dài, áo khoác, quần, áo đi mưa, chăn, vải dù.
  • Hãy bảo vệ tay bằng găng tay cao su hoặc găng tay da, chân bằng ủng đi mưa, ủng hoặc giày cao cổ khác.
  • Toàn thân phải được che đậy, không được để chỗ nào hở ra
  • Tất cả mọi phương tiện bảo vệ phải được bịt kín thật tốt (hãy buộc tay áo dài quá viền găng tay hoặc ống quần dài trùm qua giầy bằng dây thừng)

Sơ tán

Trong chương này bạn sẽ học được cách xử lý trong trường hợp sơ tán, tức là tình huống khi bạn phải di chuyển bản thân, thú vật hoặc đồ vật nào đó từ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Tại đây cũng miêu tả chi tiết cách chuẩn bị hành lý sơ tán cho những tình huống này.

Thông tin sơ tán do phương tiện truyền thông đại chúng, các thành phần cứu hộ, chủ lao động v.v..

Cần phải làm theo hướng dẫn của các cơ quan bảo đảm việc sơ tán và phải có mặt tại địa điểm cụ thể cùng với hành lý sơ tán. Trước khi rời khỏi nhà cần phải làm theo những nguyên tắc sau:

  • Hãy dập lửa trong lò sưởi.
  • Hãy tắt các thiết bị điện (trừ tủ lạnh và tủ đá).
  • Hãy đóng van nước và gas.
  • Hãy kiểm tra xem hàng xóm có biết phải rời khỏi nhà không.
  • Đừng quên nhét vào túi áo trẻ em thẻ ghi tên và địa chỉ.
  • Hãy mang chó mèo theo và để chúng trong lồng xách tay
  • Thú vật ngoại lai có thể sống sót trong thời gian dài hãy để ở nhà, trước khi đi hãy để thức ăn dự trữ cho chúng.
  • Hãy cầm hành lý sơ tán, khóa cửa nhà, dán thông báo lên cửa rằng bạn đã rời khỏi nhà và đến địa điểm tập trung.
  • Nếu bạn quyết định tự đi sơ tán bằng ô tô (đi nhà nghỉ cuối tuần, đến nhà người thân v.v..), hãy thông báo quyết định này cùng địa chỉ tạm trú và thông tin liên lạc, để họ báo cho bạn khi nào có thể quay trở về v.v..

Nếu bạn có người thân ở cơ sở y tế hoặc xã hội, hoặc ở trường, đừng đến những chỗ đó. Nhân viên của những cơ sở đó sẽ thu xếp việc sơ tán theo kế hoạch sơ tán.

Sau khi tập trung bạn sẽ được chở đến trung tâm, nơi cung cấp chỗ ở khẩn cấp, đồ ăn thức uống và các dịch vụ chăm sóc khác. Tại đây đồng thời sẽ cung cấp thông tin về tình huống đang diễn ra và các bước tiếp theo.

Bạn có thể quay trở lại nhà sau khi các thành phần hệ thống cứu hộ tích hợp đồng ý, khi biết chắc rằng hoàn toàn không còn nguy hiểm nữa.

Sau khi trở về nhà hãy kiểm tra tình trạng tài sản của mình và thông báo thiệt hại hoặc tổn thất cho hãng bảo hiểm hoặc ủy ban, nếu có.

Hành lý sơ tán

Cần phải chuẩn bị hành lý sơ tán cho bản thân và mọi người trong gia đình. Theo nguyên tắc, mỗi người nên có một hành lý (cho người lớn không quá 25 kg, trẻ em không quá 10 kg), lý tưởng nhất là ba lô (bạn rảnh cả hai tay), vali có thể xách bằng một tay, hoặc túi (ít thích hợp nhất). Đừng quên rằng không phải lúc nào cũng có thể dùng ô tô để di chuyển với hành lý được (ví dụ khi lũ lụt). Nhiều nhà có thú cưng cần phải mang theo người.

Để dễ dàng ghi nhớ có thể chia những đồ cho vào hành lý theo các nhóm logic:

  • Đồ ăn thức uống + bát đĩa – lương thực và thức ăn được đóng gói kỹ, nước uống (tất cả cho 2-3 ngày cho từng thành viên gia đình), cốc hoặc bát, thìa dĩa và đồ mở hộp. Trong trường hợp bạn ăn chay (ví dụ kiêng bột mỳ, kiêng thịt cá v.v..), nên biết rằng tại nơi tạm trú cung cấp đồ ăn hàng loạt sẽ chỉ có đồ chay cho bạn ở mức hạn chế. Hãy mang đủ thực phẩm đặc biệt cho mình.
  • Đồ vật có giá trị và giấy tờ – giấy tờ cá nhân (giấy khai sinh, giấy CMND, hộ chiếu, thẻ bảo hiểm), các giấy tờ quan trọng khác (hợp đồng bảo hiểm, quỹ tiết kiệm xây dựng, hợp đồng đầu tư, chứng khoán) và tiền mặt + thẻ ATM, danh sách liên lạc với người thân (gia đình, họ hàng); hãy đeo thẻ lên cổ trẻ em có ghi tên, địa chỉ và điện thoại liên lạc.
  • Thuốc và đồ vệ sinh cá nhân – không được thiếu thuốc uống hàng ngày hoặc vật dụng y tế, nên mang theo vitamin và các thực phẩm chức năng thông thường. Bạn hãy mang theo đồ dùng vệ sinh cá nhân đủ dùng.
  • Quần áo và vật dụng ngủ qua đêm – bao gồm quần áo theo mùa, đồ lót và giầy dép, túi ngủ, tấm lót ngủ, áo đi mưa hoặc ô.
  • Thiết bị, dụng cụ và giải trí – quan trọng nhất là điện thoại di động và đồ sạc điện thoại, đài FM (chỉ cần thiết bị nghe MP3) với đồ sạc hoặc pin, đèn pin và pin dự trữ, diêm, dao dã ngoại, kim chỉ, giấy bút và các đồ vật để giải trí – sách truyện, đồ chơi cho trẻ em, trò chơi bằng cờ hoặc thẻ.
  • Thú cưng – đồ ăn, rọ mõm, vòng cổ, bát, cát vệ sinh và các đồ cần thiết khác, sổ y tế của thú vật và lồng xách tay.

Làm gì khi lũ lụt

Bạn sống hoặc làm việc trong vùng có nguy cơ bị lũ lụt? Tại đây bạn sẽ học được cách xử lý trong trường hợp gặp lũ lụt, kể cả cách phân biệt mức độ nguy hiểm (theo thang đo sức mạnh lũ lụt).

Từ lúc mực nước bắt đầu dâng cao và có nguy cơ lớn là nhà của mình sẽ bị lụt, chúng ta đã nên làm một số điều sau:

  • Dự trữ thực phẩm và nước uống.
  • Chuẩn bị đèn pin, đài phát thanh và pin dự trữ.
  • Cất hoặc củng cố tất cả mọi đồ vật có thể bị lũ cuốn đi (thang và dụng cụ vườn tược).
  • Di chuyển đồ vật có giá trị từ dưới tầng hầm và tầng mặt đất ra chỗ khác.
  • Cất các hóa chất có thể gây nguy hiểm cho môi trường.
  • Đỗ xe ra chỗ cao hơn.
  • Chuẩn bị túi cát để bít cửa sổ và cửa ra vào.
  • Chuẩn bị hành lý sơ tán.

Trong suốt thời gian đó chúng ta nên theo dõi phương tiện truyền thông địa phương để theo dõi tình hình và dự báo. Thông tin cũng có thể được truyền qua đài phát thanh địa phương và các xe của hệ thống cứu hộ tích hợp.

Nếu tình hình thật sự nghiêm trọng, chúng ta sẽ được cảnh báo bằng còi báo động.

Các mức độ đo sức mạnh lũ lụt:

  • Tình trạng theo dõi
  • Tình trạng khẩn cấp
  • Tình trạng nguy hiểm

Ngoài ra chúng ta không còn nhiều cách để thay đổi tình huống. Chỉ còn cách làm theo một số nguyên tắc quan trọng:

  • Theo dõi tình hình và làm theo hướng dẫn của cơ quan điều khiển tình huống khẩn cấp và cứu hộ.
  • Không nên coi thường mức độ nguy hiểm, đừng cố đến gần dòng lũ.
  • Hãy tôn trọng lệnh cấm vào khu vực nguy hiểm.
  • Không từ chối việc sơ tán và nên hiểu đó là biện pháp cho sự an toàn của chúng ta, không phải là việc hạn chế quyền của chúng ta.
Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil