Hàng loạt bang của Mỹ đang bổ sung các biện pháp an ninh, chuẩn bị cho mọi kịch bản hỗn loạn vào ngày bầu cử.
Chính quyền nhiều bang của Mỹ đang thực hiện những kế hoạch an ninh chưa từng có, nhằm đối phó nguy cơ bạo lực bùng phát cùng những kịch bản ác mộng khác vào ngày bầu cử 5/11, cũng như trấn an người dân rằng phiếu bầu của họ sẽ được bảo vệ an toàn.
Quan chức các địa phương đang thực hiện hàng loạt biện pháp như bố trí lính bắn tỉa bảo vệ trụ sở cơ quan kiểm phiếu, lắp đặt nút báo động cho nhân viên bầu cử hay triển khai thiết bị bay không người lái (drone) giám sát 24/7.
Cơ quan hành pháp đặt lực lượng phản ứng khẩn cấp trong tình trạng sẵn sàng và điều động cảnh sát tuần tra đường phố. Ít nhất hai bang, gồm Nevada và Washington, đã kích hoạt Vệ binh Quốc gia nhằm đề phòng trường hợp bất ổn. Thư ký bang Arizona, người chịu trách nhiệm xác nhận kết quả bầu cử của toàn bang, cho biết ông dự định mặc sẵn áo chống đạn khi làm nhiệm vụ.
"Có những mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu, nhưng chúng ta cũng rất cảnh giác và đã nâng mức độ bảo vệ lên đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng tiêu tốn nguồn lực đáng lẽ không được xảy ra và chắc chắn không nên bình thường hóa điều này, Damon Hewitt, giám đốc điều hành Ủy ban Luật sư về Quyền công dân có trụ sở tại Mỹ, nói.
Theo giới phân tích, mối đe dọa lớn nhất là phong trào phủ nhận kết quả bầu cử xuất hiện từ năm 2020, khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump từ chối công nhận chiến thắng của đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden.
Ông thúc đẩy các thuyết âm mưu về gian lận trong bầu cử, khiến hàng nghìn người xuống đường biểu tình và đỉnh điểm là cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021. Trump sau đó bị truy tố tại tòa án cấp bang và liên bang với cáo buộc tìm cách lật ngược kết quả bầu cử, song không nhận tội.
Chủ nghĩa phủ nhận bầu cử vốn chỉ tồn tại ở nhóm thiểu số đã lan sang nhóm cốt lõi của đảng Cộng hòa, trở thành lực lượng ủng hộ Trump và nắm giữ rất nhiều ảnh hưởng. Họ đã từ chối chấp nhận thất bại ngay cả khi cuộc bỏ phiếu chưa diễn ra.
Trump không cam kết chấp nhận kết quả năm nay và tuyên bố rằng đảng Dân chủ sẽ gian lận để đưa đối thủ của ông, Phó tổng thống Kamala Harris, lên nắm quyền dù không đưa ra bằng chứng cụ thể. Ứng viên Dân chủ Harris đã khẳng định sẽ chấp nhận kết quả bầu cử và chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ Trump và Harris rất sít sao, nhưng các đồng minh của cựu tổng thống liên tục tuyên bố rằng ông giành thắng lợi là "điều không thể tránh khỏi"..
"Nếu ông ấy thua cuộc hoặc nhận thấy rằng mình đang thua, có thể tưởng tượng được cú sốc đối với người ủng hộ Trump. Những kẻ gây rối sẽ lợi dụng điều đó để cố chọc giận họ, kích động bạo lực", David Becker, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới Bầu cử Mỹ, cảnh báo.
Một ví dụ điển hình về nỗ lực chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể được thấy ở hạt Maricopa, nơi có phần lớn cử tri Arizona sinh sống.
Tòa nhà trụ sở bầu cử ở trung tâm thành phố Phoenix được bảo vệ như một pháo đài, các nhân viên đang theo dõi mạng xã hội suốt ngày đêm để phát hiện vấn đề. Cơ quan thực thi pháp luật cũng triển khai drone để theo dõi các mối đe dọa tiềm ẩn.
Maricopa là trung tâm trong nỗ lực của Trump và đồng minh nhằm ngăn chặn quá trình kiểm phiếu hồi năm 2020. Hàng trăm người ủng hộ ông đã biểu tình bên ngoài trung tâm kiểm phiếu, nhưng nỗ lực đã thất bại.
Trong cuộc bầu cử năm nay, cảnh sát trưởng hạt Maricopa Russ Skinner đã huy động tới 200 sĩ quan làm việc 24/7 suốt thời gian từ lúc người dân đi bỏ phiếu đến khi lá phiếu được kiểm xong, đồng thời giám sát các địa điểm bỏ phiếu và thùng phiếu ngoài trời. Sở cảnh sát cũng có kế hoạch bố trí lính bắn tỉa trên nóc các tòa nhà nếu cần thiết.
Skinner cho biết hạt không phải huy động quá 50 sĩ quan làm việc trong các cuộc bầu cử trước năm 2020. "Mọi tính toán đã thay đổi kể từ đó", ông nói.
Khung cảnh tương tự cũng xuất hiện ở các bang khác. Hàng trăm văn phòng bầu cử được gia cố bằng kính chống đạn, cửa thép và thiết bị giám sát. Một số hạt đã phân phát nút báo động trên dây đeo cổ cho nhân viên phụ trách chính ở mỗi địa điểm bỏ phiếu.
Nhiều hạt đã dự trữ đồ bảo hộ phòng độc và thuốc giải độc cho tình trạng quá liều opioid, phòng trường hợp có chất bột đáng ngờ được gửi tới qua đường bưu điện, như đã xảy ra trong những năm gần đây.
Chính quyền Mỹ cho biết các đối thủ nước ngoài cũng đang lợi dụng căng thẳng.
Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Mỹ (CISA) cáo buộc Nga đứng sau nhiều video giả mạo trên mạng xã hội. Một video gần đây cho thấy nhân viên bầu cử ở hạt Bucks, bang Pennsylvania, đang hủy các lá phiếu. Video khác cho thấy một người đến từ Haiti, không phải công dân Mỹ, tuyên bố đã đăng ký và bỏ phiếu ở Georgia.
Giám đốc CISA Jen Easterly cho hay những nội dung như vậy nhằm mục đích gieo rắc hoài nghi về kết quả bỏ phiếu, khiến người dân Mỹ chống lại nhau và gây ra tình trạng bất ổn.
Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ người ủng hộ Trump phản ứng bằng bạo lực sẽ gia tăng khi quá trình kiểm phiếu kéo dài mà không có người chiến thắng. Năm 2020, các kênh truyền hình lớn tại Mỹ không tuyên bố chiến thắng của ứng viên Joe Biden cho tới 5 ngày sau bầu cử, rất lâu sau khi Trump tuyên bố rằng ông đã chiến thắng.
Giới chức cũng chú ý hơn đến mối đe dọa từ các phong trào cực hữu và cực đoan. Họ cho biết đang cố gắng tìm ra một phương án an ninh giúp bảo vệ cử tri khi đi bỏ phiếu nhưng không làm họ sợ hãi đến mức không dám bỏ phiếu.
Rất khó đảm bảo điều này ở những cộng đồng có đông người da màu và có tiền sử căng thẳng với cảnh sát.
"Với chúng tôi, lực lượng an ninh vũ trang hiện diện tại địa điểm bỏ phiếu là tiêu chuẩn bình thường mới, nhưng hy vọng là ở mức tối thiểu và không khiến cử tri e ngại. Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ với cơ quan hành pháp để thực hiện đúng cam kết đó", Linda Farmer, nhà điều hành bầu cử tại hạt Pierce thuộc bang Washington, cho hay.
Hàng loạt khu vực, trong đó có Bắc Carolina, đã thiết kế các khóa đào tạo đặc biệt cho cảnh sát để phản ứng nhanh chóng trước những trường hợp khẩn cấp tại địa điểm bỏ phiếu. Những khóa đào tạo đều nhấn mạnh rằng cảnh sát có vai trò bảo vệ quyền bỏ phiếu của mọi người, không phải xâm phạm nó.
Ngay cả khi ngày bầu cử diễn ra suôn sẻ, những thời điểm quan trọng khác vẫn có khả năng tạo ra thách thức an ninh, đáng chú ý là ngày 17/12, thời điểm các đại cử tri ở mỗi bang sẽ bỏ phiếu của mình cho các ứng viên.
Năm 2020, chiến dịch của Trump đã tập hợp đại cử tri ở một số bang mà ông thua cuộc để đưa ra tuyên bố sai sự thật rằng ông là người chiến thắng.
Tại Georgia, một trong những bang chiến trường năm nay, một hàng rào an ninh đã được dựng lên xung quanh trụ sở cơ quan lập pháp bang. Tại Arizona, ổ khóa và hệ thống camera đã được nâng cấp tại một số nơi quanh trụ sở cơ quan này.
"Mọi người đều căng thẳng hơn nhiều, nhưng vẫn quyết tâm", Bill Burgess, nhân viên văn phòng ở hạt Marion thuộc bang Oregon, tiết lộ.
Đối với nhiều quan chức bầu cử, những biện pháp điều chỉnh an ninh mới đã khiến họ cảm thấy căng thẳng.
Khi một bưu kiện được chuyển đến hội đồng bầu cử hạt Wake, Bắc Carolina, hồi cuối tháng 10, các quan chức đã ngần ngại tiếp nhận vì nó quá nặng để đựng các lá phiểu qua thư. Họ bắt đầu đánh giá xem có mối đe dọa nào hay không, trước khi xác định bên trong thùng chỉ là những chiếc hộp đựng bánh quy và thư cảm ơn.
Dù lo lắng, các quan chức bầu cử vẫn cảm thấy phấn khởi vì tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu qua thư cũng như bỏ phiếu sớm trực tiếp tương đối cao. Với số phiếu đã vượt quá 70 triệu tính đến ngày 2/11, điều này cho thấy cử tri vẫn chưa từ bỏ cuộc bầu cử.
"Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu năm nay cho thấy mọi người không sợ hãi những gì họ sắp trải qua. Họ tin tưởng vào quy trình của chúng tôi", Karen Brinson Bell, người đứng đầu hội đồng bầu cử bang Bắc Carolina, cho biết.
Nguồn: Vnexpress
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này