Việc Nga sử dụng tên lửa đạn đạo mang vũ khí siêu vượt âm Oreshnik tại cuộc xung đột Ukraine đã một lần nữa khiến giới chuyên gia quân sự quốc tế đưa ra viễn cảnh về kịch bản Thế chiến 3 với đỉnh điểm là nguy cơ xung đột hạt nhân toàn diện giữa các siêu cường.
Vậy theo dự báo của các chuyên gia, Thế chiến 3 sẽ xảy ra theo những kịch bản nào?
Tác chiến điện tử và chiến tranh mạng
Theo tạp chí Russia Beyond, sự phát triển của các thiết bị điện tử công nghệ cao và các công nghệ tiên tiến khác đã có ảnh hưởng không thể tính toán được đến cách nhân loại tiến hành chiến tranh. Chinh phục một quốc gia, thiết lập một chính quyền có thể không cần hoạt động quân sự, khi chỉ cần kích hoạt cơ chế của một "cuộc cách mạng màu" trên phương tiện truyền thông xã hội và để người dân xuống đường, đòi hỏi một sự thay đổi quyền lực.
Chỉ tính riêng các hoạt động tác chiến, các hệ thống tác chiến lấy mạng làm trung tâm với các trục chỉ huy theo cả phương dọc và phương ngang đã làm thay đổi đang kế phương thức tác chiến truyền thống. Trong hệ thống hợp nhất này, hoạt động của người lính được kết hợp với sự đánh giá và phân tích của máy móc để đưa ra những quyết định chỉ huy, tác chiến nhanh chóng và chính xác.
Nhiều quân đội trên thế giới, trong đó có quân đội Nga đang thực hiện việc tích hợp các thiết bị chỉ huy, điều phối thông tin kích cỡ như một máy tính bảng cầm tay. Sử dụng các kênh được mã hóa, thiết bị thu nhỏ này liên kết với hệ thống chỉ huy trung tâm, nhận bản đồ địa hình, tiết lộ vị trí của kẻ thù và giao tiếp với toàn bộ một loạt các công nghệ thực địa.
Trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, các đơn vị Nga đã thử nghiệm hệ thống chỉ huy hợp nhất tất cả các phương tiện chiến đấu và thu được kết quả đáng kể. Hệ thống này kết nối với một người lính trên mặt đất, người theo dõi những gì đang diễn ra trên bầu trời. Tương tự như pháo binh, xe tăng và các đơn vị khác, người lính có một máy tính bảng. Điểm khác biệt là anh ta sử dụng nó không phải để nhận - mà để gửi hướng dẫn cho máy bay ném bom.
Màn hình cho anh ta biết không chỉ vị trí của các đơn vị địch trong khu vực mà còn cả vũ khí mà đối phương đang mang theo. Sau đó, tất cả chỉ là nhấn nút, chọn vũ khí phù hợp cho nhiệm vụ, gửi tọa độ của mục tiêu và chờ đơn vị đồng minh khai hỏa. Nhờ hệ thống này mà máy bay ném bom Su-24 của Nga rất hiệu quả trong việc nhắm mục tiêu vào các vị trí khủng bố ở Syria.
Chiến tranh số cũng là về việc gây nhiễu vô tuyến điện tử của các hệ thống của đối phương. Trong các cuộc xung đột gần đây, Nga đã chứng minh là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này với khoảng hơn 18 hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ như: Krasukha, Borisoglebsk-2, Apurgit, Infauna... Con số thống kê còn chưa tính tới các hệ thống nhỏ gọn trang bị cho từng người lính và phương tiện chiến đấu. Tất cả chúng đều có khả năng bảo vệ thiết bị và binh sĩ khỏi tên lửa và bom có độ chính xác cao và thực hiện các cuộc tấn công ở “mây mù” thông tin.
Thực tế, các cuộc xung đột gần đây đã chứng minh, áp chế điện tử ảnh hưởng nặng nề tới các hệ thống vũ khí tấn công chính xác cao như thế nào.
Khi công nghệ cao bị bỏ sang một bên trong chiến tranh truyền thống
Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa các siêu cường như Nga và Mỹ, các trang bị điện tử hữu tuyến và vô tuyến thực sự không còn khả năng hoạt động chính xác. Chỉ sau những phút chiến tranh đầu tiên, hệ thống vệ tinh quân sự, trang bị điện tử thông minh sẽ nhanh chóng bị phá hủy bằng nhiều cách khác nhau. Cuộc xung đột sẽ nhanh chóng trở thành chiến tranh cổ điển của thế kỷ 20.
Trong báo cáo Nuclear Posture Review năm 2018, Washington đã đưa ra kịch bản của các cuộc chiến tranh tương lai với bom hạt nhân hiệu suất thấp, khoảng 5 kiloton/đầu đạn. Vũ khí hạt nhân giới hạn này được sử dụng để vừa đủ tấn công thiệt hại mục tiêu chiến lược của đối phương, nhưng không đẩy tới ngưỡng chiến tranh hạt nhân toàn diện. Đây là thời điểm Washington đưa ra đề nghị đàm phán hòa bình với các lợi thế.
Một trong những dấu hiệu của một cuộc xung đột phi hạt nhân với khả năng leo thang hạt nhân chính là chiến thuật triển khai lữ đoàn thiết giáp của Mỹ ở Đông Âu, cũng như việc chuyển giao các phi đội F-16 Eurofighter và F-35 Lightning mới cho Ba Lan và Phần Lan.
Đương nhiên là Nga nhận ra và không ngồi im khi Mỹ thực hiện chiến lược của mình. Để chuẩn bị cho một cuộc xung đột toàn cầu ngay trước cửa, vùng Kaliningrad được triển khai tổ hợp tên lửa Iskander-M, cũng như sự hiện diện của bộ đội siêu vượt âm là máy bay Mig-31BM và tên lửa Kinzhal. Những khẩu pháo và súng cối có khả năng bắn đạn hạt nhân đáng sợ và tàn khốc của thời Chiến tranh Lạnh - 203mm 2S7M Malka và súng cối di động 240mm 2S4 Tyulpan cũng được khôi phục.
Cùng với đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành chính sách răn đe hạt nhân mới quy định nếu các mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nga dẫn đến leo thang căng thẳng, thì Moscow sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Thảm họa “mùa đông hạt nhân”
Trong Chiến tranh Lạnh, học thuyết về chiến tranh hủy diệt đã được lên kịch bản, theo đó việc các bên sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ dẫn đến sự hủy diệt hoàn toàn sự sống trên Trái đất. Tuy nhiên, theo thời gian, những cải tiến về phương tiện phòng thủ và tấn công hạt nhân, bao gồm sự xuất hiện của thế hệ đầu đạn thông minh và hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả đã làm một số siêu cường kỳ vọng về khả năng chiến thắng trong một cuộc xung đột toàn cầu.
Điều quan trọng là việc sử dụng dù chỉ một phần kho vũ khí hạt nhân của các cường quốc thế giới sẽ thay đổi mãi mãi thế giới không chỉ đối với bên thua cuộc mà còn đối với bên chiến thắng.
“Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giống như hai kẻ thù truyền kiếp cùng đứng trong một biển dầu, khi một người có 3 que diêm, người kia có 5 que diêm”, Nhà vật lý thiên văn người Mỹ Carl Sagan đưa ra hình dung.
Đánh giá về viễn cách các kịch bản xung đột hạt nhân có thể xảy ra giữa siêu cường như Nga và Mỹ, tạp chí Popular Mechanics viết rằng, cuộc tấn công phủ đầu của thiết bị lượn siêu vượt âm Avangard có thể phá hủy hệ thống cảnh báo sớm của Mỹ. Các ICBM hạng nặng sau đó sẽ tấn công các căn cứ bộ 3 chiến lược của Mỹ. Ngay ở giai đoạn này, Moscow có thể bắt đầu đàm phán với Washington. “Các nhà lãnh đạo Nga sau đó sẽ cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực trả đũa nào sẽ kích hoạt tất cả vũ khí hạt nhân toàn diện, gây ra cái chết của hàng triệu người và sự hủy diệt của nước Mỹ với tư cách là một siêu cường quân sự, chính trị và kinh tế”, Popular Mechanics viết.
Các nhà khoa học tại Đại học Rutgers (Bang New Jersey, Mỹ) ước tính rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ có thể dẫn đến cái chết của 5 tỷ người. Phần lớn dân số thế giới sau đó sẽ trở thành nạn nhân của nạn đói do hậu quả của “mùa đông hạt nhân” sau chiến tranh hạt nhân toàn diện.
(Nguồn: qdnd.vn)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này