Thống kê người thiệt mạng tại Myanmar vì động đất tăng khoảng 300 người sau một ngày, lên 2.056 trường hợp đã được tìm thấy.
Cơ quan truyền thông chính quyền quân sự Myanmar ngày 31/3 cập nhật số người thiệt mạng trong vụ động đất cuối tuần qua là 2.056, tăng vọt so với thống kê một ngày trước là 1.700 người. Báo cáo cũng ghi nhận khoảng 3.900 người bị thương và gần 270 trường hợp còn mất tích.
Trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra ở miền trung Myanmar hôm 28/3, sau đó vài phút xuất hiện dư chấn 6,7 độ, đã phá hủy nhiều tòa nhà, làm sập cầu và hư hại đường sá trên khắp nước này.
Quốc gia Đông Nam Á với hơn 50 triệu dân vốn đã đối diện nhiều thách thức lớn từ trước thảm họa. Nội chiến và bất ổn chính trị từ năm 2021 khiến nền kinh tế nước này suy thoái, hệ thống y tế và cơ sở hạ tầng thiếu đầu tư nghiêm trọng.

Chính quyền Myanmar thông báo tổ chức quốc tang, treo cờ rủ từ hôm nay đến ngày 6/4 để "chia buồn trước những mất mát về người và của" trong động đất. Trong khi đó, phe nổi dậy Chính quyền Thống nhất Quốc gia (NUG) thông báo sẽ "dừng các chiến dịch quân sự trong hai tuần" tại những khu vực chịu ảnh hưởng bởi trận động đất, bắt đầu từ ngày 30/3.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở mức cao nhất đối với thảm họa động đất Myanmar, đồng thời kêu gọi khẩn cấp 8 triệu USD cho các nỗ lực cứu người và ngăn chặn bùng phát dịch bệnh trong vòng 30 ngày tới.
Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) đã phát động lời kêu gọi quyên góp hơn 100 triệu USD để hỗ trợ người dân Myanmar.
"Myanmar đang trải qua mức độ tàn phá chưa từng thấy ở châu Á trong hơn một thế kỷ qua", bà Marie Manrique, quyền lãnh đạo IFRC, chia sẻ trên CNN. "Phải vài ngày đến vài tuần nữa, chúng ta mới thấy rõ quy mô thảm kịch động đất".
Theo IFRC, hạ tầng trọng yếu khắp Myanmar bị hư hại nghiêm trọng do động đất. Sân bay ở Mandalay và thủ đô Naypyidaw chưa thể khôi phục hoạt động vì chưa khắc phục được hậu quả sau động đất. Liên lạc và giao thông rối loạn cản trở công tác điều phối tìm kiếm và cứu nạn ở nhiều khu vực.
"Đây không chỉ là một thảm họa, mà là một cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp, chồng chất lên những thách thức đang tồn tại", Alexander Matheou, giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFRC, cho biết.
"Tình trạng tản cư, mất an ninh lương thực sẽ ngày càng nghiêm trọng tại Myanmar. Cộng đồng quốc tế cần hành động mạnh mẽ và cam kết hỗ trợ lâu dài", ông nói.
Nguồn: VNE
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này