Số lượng trẻ em sinh ra tại Séc trong năm nay có thể sẽ đạt mức thấp nhất trong lịch sử theo dõi. Một phần là do số lượng phụ nữ trẻ trong dân số ít hơn, một phần là do một bộ phận trong thế hệ trẻ không muốn lập gia đình. Các chuyên gia đều đồng ý rằng, các vấn đề tài chính, sự thiếu hụt nhà ở, khả năng tiếp cận trường mẫu giáo không đủ và chiến tranh ở Ukraine là những yếu tố khiến họ ngần ngại có con. Ngoài ra, vai trò làm cha mẹ cũng không còn được coi trọng như trước.
Ông Tomáš Fiala từ Khoa Dân số học của Trường Đại học Kinh tế cho biết: “Sự phát triển và dữ liệu trong nửa đầu năm nay cho thấy, số lượng trẻ em sinh ra trong năm nay sẽ thấp hơn đáng kể so với con số 90 nghìn trẻ, mức thấp nhất trong lịch sử theo dõi số lượng sinh tại lãnh thổ Séc hiện nay”.
Từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, đã có 69,2 nghìn trẻ em được sinh ra, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ sinh đã giảm đáng kể ngay từ năm ngoái. Năm 2023, có 91,1 nghìn trẻ em được sinh ra, giảm 10,2 nghìn trẻ so với năm trước. Năm 2022 ghi nhận 101,3 nghìn trẻ em được sinh, ít hơn 10,5 nghìn trẻ so với năm 2021.
Ông Fiala nhận định: “Nguyên nhân chính là sự suy giảm mong muốn của người trẻ trong việc sinh con ở thời điểm hiện tại.” Những người chưa có con thường trì hoãn quyết định, và theo khảo sát của Đại học Masaryk, số người không muốn có con cũng ngày càng tăng. Chỉ 29% người trẻ chưa có con vào năm 2022 cho biết họ muốn có con trong tương lai.
Ông Fiala cho rằng: “Rào cản chính khiến người dân khó lập gia đình là vấn đề tìm được chỗ ở riêng và thiếu hụt tài chính. Nhà nước có thể hỗ trợ bằng các chính sách nhà ở phù hợp hướng đến gia đình hoặc hỗ trợ tài chính gián tiếp thông qua giảm gánh nặng thuế cho các bậc cha mẹ nuôi con nhỏ (ví dụ như giảm đóng bảo hiểm y tế và xã hội)”.
Ông Ladislav Rabušic từ Khoa Nghiên cứu Xã hội của Đại học Masaryk cho rằng giới trẻ đang chịu áp lực kinh tế nặng nề. Ông nhận định: “Chi phí cho việc có một nơi ở riêng rất cao, và việc chăm sóc con cái, đặc biệt nếu bạn muốn con mình tham gia vào các hoạt động ngoài trường học, cũng rất tốn kém,”.
Theo ông Rabušic, một phần nguyên nhân là do sự thay đổi văn hóa trong các giá trị sống. Người trẻ ưu tiên tự do cá nhân, cố gắng không ràng buộc, và những phụ nữ trẻ được giáo dục và giải phóng có những ưu tiên khác ngoài cuộc sống gia đình và việc nuôi dạy con cái. Ngoài ra, ông cho rằng phụ nữ không chắc rằng mình sẽ chia sẻ công việc gia đình đồng đều với bạn đời, và lo ngại rằng tham vọng công việc và cuộc sống của họ sẽ khó hòa hợp với cuộc sống gia đình.
Yếu tố quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng. Ông Rabušic nhận định: “Những thay đổi môi trường tiêu cực, mà công chúng thường cảm nhận qua biến đổi khí hậu, cùng với sự bất ổn chính trị, chiến tranh và áp lực di cư trên thế giới, khiến nhiều người suy nghĩ liệu có ý nghĩa gì khi sinh con trong một môi trường như vậy hay không,”.
Nguồn: Novinky
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này