Nhiều bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 có hy vọng được chữa khỏi hoàn toàn. Nhờ ghép tế bào tuyến tụy, cơ thể họ có thể tự sản xuất insulin trở lại. Hiện có khoảng 70.000 người Séc mắc tiểu đường tuýp 1.
Dù chỉ có kích thước 0,3 mm, những tế bào tuyến tụy nhỏ bé có thể cứu sống con người. Cách đây 5 năm, ông Antonín (70 tuổi) đã trải qua một ca phẫu thuật đặc biệt. Do khối u, ông phải cắt bỏ tuyến tụy và đối mặt với nguy cơ phụ thuộc suốt đời vào tiêm insulin. Tuy nhiên, nhờ ghép tế bào đảo tụy, cơ thể ông đã tự sản xuất insulin trở lại.
Ông chia sẻ rằng, nếu ông không thực hiện cuộc phẫu thuật, có lẽ ông đã không còn ở đây nữa. Hiện tại mọi thứ hoạt động như bình thường, và suốt hai năm ông hoàn toàn không cần insulin.
Phương pháp cấy ghép tế bào đảo tụy có thể giúp 1/3 số bệnh nhân tiểu đường hồi phục hoàn toàn. Bác sĩ František Saudek của bệnh viện IKEM Praha cho biết, khi bệnh nhân không thể kiểm soát tốt bệnh bằng các phương pháp điều trị hiện tại, họ có thể không nhận ra các dấu hiệu của hạ đường huyết, dẫn đến hôn mê và thậm chí đe dọa tính mạng.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ tách khoảng 300.000 tế bào đảo tụy từ tuyến tụy của bệnh nhân và tiêm vào gan, tại đó chúng tiếp tục sản xuất insulin. So với việc ghép toàn bộ tuyến tụy, phương pháp này ít xâm lấn và an toàn hơn cho bệnh nhân.
Bác sĩ Peter Girman, trưởng Khoa Tiểu đường tại IKEM cho biết, toàn bộ thủ thuật chỉ kéo dài 30 đến 60 phút, bệnh nhân tỉnh táo trong suốt quá trình và có thể giao tiếp với các bác sĩ. Đây là một phương pháp không đau, và ngay hôm sau, bệnh nhân có thể rời khỏi giường và đi lại bình thường.
Mỗi năm, tại bệnh viện IKEM có 5 đến 10 bệnh nhân được thực hiện phương pháp cấy ghép này, mở ra hy vọng mới cho những người mắc tiểu đường tuýp 1.
Nguồn: TN Nova
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này