Việc ông Trump sắp trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ không chỉ mang đến một sự thay đổi lớn cho quốc gia này, mà còn gửi đến những ai từng chống đối ông một tín hiệu không mấy tích cực.
Theo đó, những người từng công khai chỉ trích, phản đối hay "kiếm chuyện" với ông Trump có lý do để lo lắng, vì quyền lực mới của ông có thể sẽ kéo theo những hậu quả khó lường cho những kẻ thù trong mắt ông.
Vậy điều gì đang chờ đợi những cá nhân này trong giai đoạn mới của chính trường Mỹ?
Những kẻ đối lập với ông Trump, họ là ai?
Trước hết, có thể kể đến cựu phó tổng thống Mike Pence, người đã từng rất gần gũi với ông Trump khi cả hai làm việc cùng nhau trong chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu từ năm 2017 đến 2021.
Tuy nhiên, mối quan hệ này đã trở nên căng thẳng sau cuộc bầu cử năm 2020 khi ông Pence từ chối yêu cầu của ông Trump trong việc ngăn chặn việc chứng nhận kết quả bầu cử tại Thượng viện khi cuộc bạo loạn Đồi Capitol tháng 1-2021 nổ ra.
Ông Trump đã giận dữ và công khai chỉ trích vị phó tổng thống vì quyết định này, dẫn đến sự đổ vỡ hoàn toàn trong mối quan hệ của họ, theo Đài ABC News.
Mối quan hệ giữa cựu phó tổng thống Mike Pence và ông Trump đã từng rất tốt đẹp cho đến khi xảy ra sự kiện bạo loạn Đồi Capitol - Ảnh: CNN
Ngoài ra, một cái tên khác không thể không kể đến là Adam Schiff, cựu Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ và vừa mới đắc cử ghế Thượng nghị sĩ bang California ở Thượng viện. Ông Adam Schiff từng có những phát ngôn chỉ trích gay gắt hướng đến ông Trump, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại.
Ông cũng là người lãnh đạo cuộc luận tội ông Trump lần đầu tiên tại Hạ viện vào cuối năm 2019.
Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng từng nhiều lần công khai thể hiện sự căm ghét của mình đối với ông Schiff khi gọi ông ta là "Shifty Schiff”, ám chỉ ông Schiff là kẻ mờ ám, lén lút và "sleazebag" (đồ đê tiện).
Ông Trump thậm chí còn yêu cầu luận tội và truy tố Phó Tổng thống Kamala Harris, đề xuất bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt điều tra Tổng thống Joe Biden, gọi đây là "chính quyền tham nhũng nhất" trong lịch sử Mỹ.
Danh sách này sẽ còn kéo dài vô tận với những cái tên như cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (người dẫn đầu hai cuộc luận tội ông Trump), cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (người từng tranh cử với ông Trump vào năm 2016), cựu nghị sĩ Đảng Cộng hòa Liz Cheney (một trong những gương mặt nổi bật trong Ủy ban điều tra về cuộc tấn công vào Đồi Capitol)...
Ông Trump có thể làm gì họ?
Theo Đài NPR, ông Trump đã gọi nhiều đối thủ chính trị của mình là "kẻ thù từ bên trong" và sẽ dễ dàng xử lý họ bằng cách sử dụng lực lượng Vệ binh quốc gia hoặc thậm chí quân đội nếu cần thiết.
Kể từ năm 2022, khi bắt đầu chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã đưa ra hơn 100 lời đe dọa sẽ điều tra, truy tố, giam giữ hoặc trừng phạt các đối thủ mà ông cho là kẻ thù của mình.
“Châm ngôn của tôi là: Luôn trả thù. Khi ai đó làm hại bạn, hãy trả thù họ lại gấp nhiều lần”, ông Trump từng viết trong cuốn sách mà ông là đồng tác giả, Think Big: Make It Happen in Business and Life.
Ông Trump đã đưa ra hơn 100 lời đe dọa sẽ điều tra, truy tố những người mà ông cho là kẻ thù của mình - Ảnh: INDEPENDENT
Các chuyên gia pháp lý cho rằng có rất ít rào cản ngăn ông Trump thực hiện kế hoạch truy tố đối thủ của mình, lưu ý rằng ông Trump đã từng gây áp lực lên Bộ Tư pháp trong nhiệm kỳ đầu tiên để điều tra đối thủ.
“Ông ấy sẽ thực hiện những lời đe dọa đó”, Stephanie Grisham, người đã làm việc trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump năm 2016 và từng là thư ký báo chí Nhà Trắng, nói.
“Tôi chỉ biết rằng một khi ông ấy lên nắm quyền và có những người trung thành nhất bao quanh, ông ấy chắc chắn sẽ đảm bảo rằng kẻ thù của mình phải trả giá vì những gì ông ấy cho là tội ác của họ”, bà khẳng định.
Nếu ông Trump thực hiện kế hoạch trả thù này, các chuyên gia cho rằng hành động của ông Trump có thể đe dọa quyền tự do dân sự của người dân Mỹ và tạo ra hiệu ứng răn đe đối với những chỉ trích về chính quyền tổng thống.
Tuy nhiên, kế hoạch trả thù của ông Trump có thể gặp phải nhiều rào cản khác. Bồi thẩm đoàn và thẩm phán có thể không đồng ý với những vụ truy tố có dấu hiệu của sự trả thù. Họ hoàn toàn có đủ khả năng để chống lại những vụ án như vậy, báo Los Angeles Times cho biết.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này