Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan cáo buộc Nga có khả năng và sẵn sàng thực hiện phá hoại ở châu Âu, kêu gọi NATO, EU phải bảo vệ cáp ngầm dưới biển.
Nói với tờ Politico hôm 19-11, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Häkkänen kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) phải tăng cường bảo vệ khỏi các mối đe dọa hỗn hợp (tức quân sự và phi quân sự), bảo vệ các hệ thống cáp ngầm dưới biển khỏi bị phá hoại.
"NATO và EU cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ hạ tầng quan trọng này", ông Häkkänen nói sau Hội nghị Ngoại trưởng EU tại Brussels, Bỉ.
Phát biểu của ông được đưa ra sau vụ Công ty viễn thông Phần Lan Cinia thông báo điều tra sự cố hư hại xảy ra hôm 18-11 ở tuyến cáp ngầm dài 1.200km nối Helsinki (Phần Lan) với cảng Rostock (Đức). Vụ việc đã gây lo ngại chính trị ở cả Berlin và Helsinki.
Người phát ngôn của công ty lưu ý: "Những vụ đứt cáp như vậy không thể xảy ra ở vùng biển này nếu không có tác động từ bên ngoài".
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã cáo buộc việc hư hại này là do hành động "phá hoại".
"Chúng tôi biết rằng Nga có khả năng và sẵn sàng thực hiện phá hoại ở châu Âu. Tất nhiên, chúng tôi đang điều tra liệu những thiệt hại (với cáp ngầm) có phải là phá hoại hay không. Thực sự không có khả năng đó là một tai nạn tự nhiên", Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Häkkänen nói với Politico.
Trong tuyên bố chung ngày 19-11, các ngoại trưởng Đức, Pháp, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha và Anh đã cảnh báo về "các hoạt động hỗn hợp leo thang của Matxcơva" chống lại các quốc gia NATO và EU, nhấn mạnh các hoạt động này là chưa từng có về quy mô và tác động tiềm tàng.
Tuy nhiên, Hãng thông tấn Thụy Điển SVT vào tối cùng ngày đưa tin các hình ảnh vệ tinh cho thấy một tàu Trung Quốc đã ở gần đó khi các dây cáp ngầm bị hư hỏng.
Theo SVT, các tàu hải quân Đan Mạch đã theo dõi tàu Trung Quốc ở biển Baltic.
Vụ việc hôm 18-11 là lần thứ hai các hạ tầng ở biển Baltic bị hư hại trong năm nay, bao gồm cáp viễn thông và các đường ống dẫn năng lượng, làm dấy lên lo ngại về an ninh và các hoạt động phá hoại.
Trước đó một ngày, vào hôm 17-11, tuyến cáp dài 218km giữa Lithuania và đảo Goatland của Thụy Điển cũng bị sự cố ngừng hoạt động.
Ông Häkkänen mô tả những cuộc tấn công như vậy vào hạ tầng quan trọng ở vùng biển quốc tế là "điều mới" và rất khó ngăn chặn.
"Những tuyến cáp ngầm này rất có thể là những phần khó bảo vệ nhất khi chúng nằm dưới vùng biển quốc tế, dưới đáy biển. Đó là lý do tại sao điều này lại khó khăn như vậy đối với các nước phương Tây", ông nói.
Theo: Tuổi trẻ
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này