Hạ viện Pháp đã bỏ phiếu thông qua Dự luật hạn chế sản xuất và kinh doanh một số sản phẩm chứa hóa chất vĩnh cửu.

Ngày 20/2, Hạ viện Pháp đã bỏ phiếu thông qua dự luật hạn chế sản xuất và kinh doanh một số sản phẩm chứa "hóa chất vĩnh cửu" (PFAS), nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Trước đó, Thượng viện đã "bật đèn xanh" cho vấn đề này.
Dự luật do đảng Xanh đề xuất đã được Hạ viện thông qua với 231 phiếu thuận và 51 phiếu chống. Tổng thống Emmanuel Macron cần ký phê chuẩn để dự luật chính thức có hiệu lực.
Theo nội dung dự luật, từ tháng 1/2026, Pháp sẽ cấm sản xuất, nhập khẩu và phân phối các sản phẩm chứa PFAS nếu đã có giải pháp thay thế hóa chất này.

Nhóm hóa chất PFAS được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm gia dụng và công nghiệp. (Nguồn: Scotch Oakburn College)
Những sản phẩm này gồm mỹ phẩm, sáp trượt tuyết và phần lớn các loại quần áo chứa hóa chất này, ngoại trừ một số loại vải công nghiệp thiết yếu.
PFAS là nhóm hóa chất tổng hợp được phát triển từ những năm 1940 với khả năng chịu nhiệt cao và chống nước, dầu mỡ. Nhóm hóa chất này được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm gia dụng và công nghiệp như bao bì thực phẩm, mỹ phẩm, vải chống bám bẩn, chảo chống dính và chất chống cháy, chỉ nha khoa và sáp trượt tuyết.
Do khả năng phân hủy cực kỳ chậm, PFAS đã ngấm vào đất, nước ngầm, sau đó xâm nhập vào chuỗi thực phẩm và nguồn nước uống. Các nhà khoa học đã phát hiện dấu vết của chúng ở khắp nơi trên Trái Đất, từ đỉnh Everest cho đến máu và não người.
Nhiều nghiên cứu quan sát đã chỉ ra rằng phơi nhiễm với PFAS có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, béo phì, bệnh tuyến giáp, bệnh gan và thận, cholesterol cao, cân nặng sơ sinh thấp, chứng vô sinh và làm suy giảm hiệu quả của vaccine.
(Nguồn: VTV)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này