Sau nhiều năm nỗ lực, thương hiệu món ăn Việt và nước sốt, gia vị của chị Lê Thị Trang đã có tiếng ở Australia. Hằng tháng, thu nhập của chị có thể lên đến 20.000 AUD, tức hơn 300 triệu đồng.
Khởi điểm của cô gái nghèo, học hết lớp 7
Sáng sớm, chị Lê Thị Trang (34 tuổi) thức giấc theo thói quen, trong sự yên bình của thị trấn Orange, bang New South Wales (Australia). Chuẩn bị xong bữa sáng cho các con, người mẹ trẻ ngồi vào bàn làm việc, sắp xếp những thứ phải xử lý trong ngày.
Vợ chồng chị Lê Thị Trang và anh Christopher Rawsthorne (40 tuổi) là chủ một xưởng sản xuất nước sốt, gia vị rộng 165m2, một food truck (xe bán đồ ăn lưu động) và một quầy food court (khu ẩm thực) ở Australia, tạo việc làm cho 12 người.
Mỗi tháng, thương hiệu cung cấp nước sốt, gia vị cho 30 cửa hàng và siêu thị trên khắp đất nước chuột túi. Riêng tại food truck và food court của gia đình, người dân lúc nào cũng đến xếp hàng dài để chờ trải nghiệm ẩm thực Việt.
Hằng tháng, doanh thu từ việc kinh doanh mang lại thu nhập cho gia đình chị khoảng 15.000-20.000 AUD (tương đương 247-330 triệu đồng). Nhờ đó, chị có thể mua nhà ở Australia, xây nhà cho mẹ ở Việt Nam và lo chu toàn cuộc sống của cả gia đình.
Kể lại hành trình lập nghiệp nơi xứ người, chị Trang nghẹn giọng nói bản thân đã trải qua nhiều khó khăn, đánh đổi bằng cả mồ hôi, máu và nước mắt. Giờ đây, chị vẫn không ngờ một cô gái nghèo "rớt mồng tơi" như mình lại có thể trở thành bà chủ của thương hiệu Việt được ủng hộ ở xứ người.
Lê Thị Trang sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó, đông con ở thị trấn Hòa Duân (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Là chị cả, Trang phải chấp nhận nghỉ học từ năm lớp 7 để phụ ba mẹ kiếm tiền, lo cho các em.
12 tuổi, chị đã đi nhặt ve chai, làm giúp việc, bán hàng rong ở biển Thuận An. Thời ấy, mỗi khi nhìn bạn bè đồng trang lứa nuột nà, trắng trẻo, thướt tha với tà áo dài, chị Trang lại ứa nước mắt.
"Nhìn lại mình, tôi thấy một con bé đen nhẻm, mặt mày, quần áo nhếch nhác, bám bụi. Tay không cầm tập sách mà bưng một mâm bánh đầy phải lo bán hết mỗi ngày, nếu không sẽ đói. Tủi thân lắm. Thấy cảnh đối lập, tôi chỉ có thể tránh mặt vì xấu hổ", chị nghẹn ngào.
Vài chục nghìn, thậm chí vài nghìn đồng là số tiền chị Trang kiếm được sau một ngày buôn thúng bán bưng chật vật. Thấy cuộc sống cứ bữa đói, bữa no, chị bắt đầu quan sát những người bán hàng rong khác, tìm cách kiếm nhiều tiền như họ.
Khao khát thoát nghèo
"Biển Thuận An là nơi có khách du lịch nước ngoài lui tới. Ở đó, những người chỉ bán dứa cũng có thể kiếm nhiều tiền nhờ thông thạo tiếng Anh. Thấy người khác làm được, tôi cũng muốn làm. Tôi xin cô giáo đã dạy mình trước đây, để tới học tiếng Anh với học phí chỉ 30.000 đồng/tháng", chị Trang kể lại.
Thời gian học trên lớp chỉ khoảng 1 tiếng. Chị Trang lúc nào cũng lẩm bẩm mấy từ tiếng Anh vừa học, ngay cả khi đang đi bán, làm việc nhà hay rảnh rỗi.
Dần dà, chị giao tiếp được với người nước ngoài và y như rằng kiếm được nhiều tiền hơn trước, đỡ đần được ba mẹ chăm lo cho các em.
Vài năm sau, chị Trang đến TP Huế xin đi làm phục vụ. Ban đầu, chẳng có ai nhận chị vào làm vì Trang chỉ mới học hết lớp 7. Nhưng nhờ tính cách mạnh mẽ và kiên nhẫn, chị đã chứng minh được năng lực của mình.
Năm 2009, thợ sửa xe người Australia, Christopher Rawsthorne, quyết định nghỉ việc, bán hết tài sản để đi du lịch bụi. Trong một lần đến Việt Nam, ở lại nhà nghỉ giá rẻ tại Huế, anh vô tình gặp Trang.
Lần nói chuyện đầu tiên, Christopher đã cảm mến cô gái Việt thật thà, dịu dàng. Để theo đuổi cô, anh xin gia hạn visa, từ 3 tháng thành 9 tháng.
"Gia cảnh nghèo khó nên tôi cũng không hi vọng nhiều về chuyện tình này. Nhiều lần, anh ấy ngỏ lời muốn đến nhà chơi nhưng tôi mặc cảm, từ chối. Yêu nhau nửa năm, anh mới được ghé nhà, gặp ba mẹ tôi", chị kể.
Cô gái Huế miêu tả ngôi nhà của mình là "đúng cảnh nghèo khó". Ngôi nhà bị dột mái, không có nổi một chiếc ghế. Khách đến dùng cơm, ba mẹ Trang tiếp đãi bằng món rau luộc, mắm chưng. Christopher dáng người cao lớn, ngồi bệt xuống nền gạch cùng dùng bữa với gia đình bạn gái.
"Nhà tôi thậm chí không có nhà vệ sinh. Mỗi khi muốn dùng nhà vệ sinh, gia đình phải sang nhờ nhà ông bà ngoại, cách đó khoảng 20 phút chạy xe. Những lúc Christopher đến chơi, thấy anh ghé nhà ngoại, mọi người đều ngầm hiểu anh đến để đi nhờ nhà vệ sinh", chị Trang cười chua chát.
Ấy vậy mà, chàng trai nơi nửa kia bán cầu không chê bai nhà bạn gái nửa lời. Trước hôm về nước, anh còn dùng số tiền ít ỏi để mua quà tặng gia đình Trang. Cả hai không hứa hẹn gì. Cô gái Huế chỉ kịp nói "ta chờ mi" rồi bật khóc.
Năm 2011, anh quay lại Việt Nam để lo các thủ tục đăng ký kết hôn với chị. Cả hai đều nghèo nên chỉ tổ chức lễ đính hôn nhỏ. Một năm sau, Trang chính thức theo chồng sang Australia.
Đặt chân đến đất nước xa lạ, cô gái sốc vì mọi thứ quá khó khăn. Trong túi hai vợ chồng chỉ còn đúng 500AUD (khoảng 8 triệu đồng). Christopher thất nghiệp, không có nhà nên cả hai phải ở nhờ nhà chị gái của anh tại Sydney trong 2 tuần.
Sau đó, Christopher thuê một chiếc xe cũ, chở vợ xuống Trundle để sống cùng ba. Thế nhưng, do thị trấn này quá thưa dân, người nhập cư như Trang khó xin việc nên đôi vợ chồng lại di chuyển đến Orange.
Christopher vay chị gái 2.000AUD (33 triệu đồng) để đặt cọc thuê một căn nhà không có nội thất. Lúc ấy, ba và chị chồng phải cho cả hai mượn tủ lạnh, tủ quần áo, giường, bàn ghế và thậm chí là bát đũa.
Sau đó, chồng xin việc tại một xưởng sửa xe cẩu, Trang cũng được nhận vào làm phục vụ. Christopher đi làm xa hơn nên cần dùng đến ô tô, còn Trang thì đi bộ 45 phút/ngày từ nhà đến nhà hàng.
Khi công việc đã ổn định, cô thuyết phục chồng tiết kiệm, tích góp tiền, đặt cọc mua căn nhà giá 400.000AUD (6,6 tỷ đồng). Để có tiền trả nợ, hai vợ chồng lao đầu vào làm việc.
Sinh con đầu lòng chưa được bao lâu, Trang mua một chiếc xe đạp, chạy phát báo để kiếm tiền. Không có người hỗ trợ, cô đành mang con theo trong lúc đi làm. Nhiều hôm, khối lượng công việc nhiều, Trang làm việc đến mức đầu ngón tay rớm máu.
Sức mạnh phụ nữ Việt
Năm 2017, cô tình cờ xem được mô hình food truck ở Mỹ và nảy ra ý tưởng bán bánh mì kiểu Huế. Thời gian đầu, chồng Trang phản đối kịch liệt vì số tiền mua xe tải quá đắt đỏ, vượt ngoài túi tiền của cả hai. Hơn nữa, khởi nghiệp không phải chuyện đơn giản, anh sợ vợ không chịu được cảnh vất vả gấp nhiều lần hiện tại.
Lúc ấy, Trang đành gọi về nhờ mẹ thế chấp nhà để vay tiền, bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Chứng kiến vợ một mình chạy đôn chạy đáo, lo chu toàn mọi thứ, Christopher không đành lòng nên vừa đi làm, vừa giúp vợ.
Ngày đầu mở bán, người dân bản địa đã xếp hàng dài trước food truck của chị. Chỉ trong 1 tiếng, Trang đã bỏ túi hàng nghìn AUD.
Một thời gian sau, Trang phải chuyển sang chỗ bán mới ở gần ga tàu. Tại đây, khách đến còn đông hơn địa điểm trước đó.
Không tuyển được nhân viên, một mình người phụ nữ Việt làm hết mọi việc. Lúc ấy, dù đang mang thai con thứ hai, nhiều đêm Trang phải thức đến 3h, đuối sức đến nỗi ngồi phịch trên ghế ngủ gật với đôi chân sưng phù, tê cứng.
Cuối thai kỳ, Trang đành nhờ ba mẹ sang bán phụ, bảo lãnh ông bà qua bằng visa du lịch. Thấy lượng khách tiềm năng, cô bán thêm các món như bún thịt nướng, thịt rim tôm, bánh bao.
5 tháng bán food truck, Trang tích cóp tiền, mở một nhà hàng Việt. Hai năm sau, cô còn mở thêm quầy food court. Công việc bận rộn nên trước ngày sinh con thứ ba, cô vẫn cùng mẹ ngồi pha nước sốt, ướp thịt, thái rau củ…
Sang Australia khởi nghiệp 3 lần, cô gái Việt nay kiếm 330 triệu đồng/tháng - 11
Sang Australia khởi nghiệp 3 lần, cô gái Việt nay kiếm 330 triệu đồng/tháng - 12
"Thực khách yêu thích các món ăn của tôi là nhờ nước sốt. Tôi mới nảy ra ý tưởng tạo thương hiệu nước sốt riêng. Sau thời gian dài tìm hiểu, hè năm 2023, vợ chồng tôi thuê một khu xưởng để sản xuất", chị nói.
Vì quá tham việc, lúc ấy, Trang làm việc 20 giờ/ngày đến kiệt sức và hoàn toàn không có thời gian cho gia đình. Lúc đổ gục, Trang ngẫm lại, công việc chỉ là một phần của cuộc sống nên quyết định đóng cửa nhà hàng, tập trung cho khu xưởng và gia đình.
Nhờ hương vị đặc biệt và đậm đà, nước sốt của Trang được người dân xứ sở chuột túi ủng hộ. Thương hiệu của cô nhanh chóng có mặt trên các kệ hàng siêu thị ở Australia. Hằng tháng, lợi nhuận từ food truck, food court và xưởng sản xuất nước sốt giúp gia đình cô trả được hết món nợ mua nhà trước đó.
"Nhìn lại hành trình đã đi qua, tôi rất ngưỡng mộ sự mạnh mẽ của phụ nữ Việt Nam. Như vợ tôi, cô ấy đã thay đổi được số phận của mình, thay đổi cả cuộc sống của những người mà cô yêu thương", Christopher trải lòng.
(Nguồn: Dantri)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này