Sau mức thuế quan 25% với nhôm và thép, ô tô nhiều khả năng là mục tiêu tiếp theo trong chiến lược thuế quan của chính quyền Trump.
![screenshot-2025-02-15-110413-17395922750901160563635.png.webp](https://d300nzfp1n1jsy.cloudfront.net/screenshot_2025_02_15_110413_17395922750901160563635_png_ca1fd7af6c.webp)
Theo Hãng tin Reuters, ngày 14-2 Tổng thống Donald Trump chia sẻ ông sẽ tiếp tục duy trì chiến lược áp thuế để định hình lại thương mại toàn cầu. Sau nhôm và thép, ô tô sẽ là mục tiêu tiếp theo trong chiến lược thuế quan của ông.
Trả lời câu hỏi về thời điểm áp dụng thuế ô tô trong phiên ký lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục ngày 14-2, ông Trump trả lời: "Có lẽ sớm nhất sẽ vào khoảng ngày 2-4".
"Các chính sách thương mại toàn diện là bắt buộc để đạt được tầm nhìn củng cố ngành công nghiệp ô tô của Mỹ", ông Trump nói thêm.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ngoài các mức thuế hiện hành. Bên cạnh đó, ông còn công bố triển khai, sau đó hoãn một tháng mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và hàng nhập khẩu không phải năng lượng từ Canada.
Ông Trump sau đó tiếp tục áp thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu và chỉ đạo nhóm kinh tế của mình lập kế hoạch áp dụng thuế quan đối với mọi quốc gia đánh thuế hàng nhập khẩu của Mỹ.
Tổng thống Trump khẳng định các sắc lệnh này sẽ cân bằng sân chơi cho hàng hóa Mỹ ở nước ngoài và phục hồi cơ sở sản xuất của Mỹ.
Giám đốc điều hành Ford Motor Co - ông Jim Farley, chia sẻ trên X: "Chúng tôi hoan nghênh ý tưởng của Tổng thống Trump về việc xem xét tất cả các loại xe nhập khẩu vào Mỹ, đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong thương mại".
Tuy nhiên, điều này lại gây hoang mang cho các doanh nghiệp và các đồng minh lâu năm của Mỹ, làm dấy lên lo ngại của người tiêu dùng và các nhà kinh tế về sự gia tăng lạm phát trở lại.
Trước đó vào năm 2018, ông Trump lần đầu tiên đề xuất mức thuế 25% đối với xe nhập khẩu, trích dẫn mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại, cho phép tổng thống áp đặt các hạn chế thương mại vì lý do an ninh quốc gia.
Đề xuất này đã bị gác lại sau sự phản đối mạnh mẽ từ các đồng minh. Tuy nhiên tới nay, ý tưởng này đã xuất hiện trở lại. Đây là một tín hiệu cho thấy Washington đang siết chặt quyền kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu trên nhiều lĩnh vực.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này