Chiều 19/9, tại Praha, CH Séc, Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc phối hợp với Hội doanh nghiệp Việt Nam tại CH Séc đã tổ chức Diễn đàn thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt Nam – Cộng hòa Séc. Hàng chục doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã tham dự. Cũng tại đây Tập đoàn Tamda đã được trao kỷ niệm chương của Đại sứ quán Việt Nam tại Séc và Hội người Việt Nam tại Séc nhằm vinh danh doanh nghiệp tiêu biểu.
Diễn đàn đã lắng nghe ý kiến của các đại biểu, đại diện các doanh nghiệp về những cơ hội cũng như thách thức doanh nghiệp Việt Nam tại Séc, qua đó có ý kiến kịp thời tới các cơ quan chức năng để tìm biện pháp tháo gỡ và giúp đỡ các doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau đại dịch, cùng với đó đề xuất các sáng kiến thúc đẩy thương mại đầu tư hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Diễn đàn còn là cơ hội để mỗi doanh nghiệp được nghe phổ biến về nội dung và tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do thủ tướng chính phủ phát động và bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam mới được ban hành.
“Saparia cũng đã chủ động linh hoạt hỗ trợ và ủng hộ các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh cho các bà con trong mùa dịch. Chúng tôi đảm bảo an toàn vệ sinh dịch tễ và đồng thời để mọi người mở cửa sau thời gian giãn cách và đóng cửa. Cho nên các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh bị đóng cửa thời gian đó giảm một cách tối thiểu. Chính sách chung của Saparia lúc đó là làm sao để các doanh nghiệp Việt vượt qua được giai đoạn khó khăn cùng tồn tại được. Saparia thực hiện tất cả các biện pháp khi mà nhà nước hỗ trợ tiền thuê thì Saparia cũng hỗ trợ tiền thuê cho mọi người. Trong năm 2021 cũng đã hỗ trợ cho mọi người tiền thuê 1 tháng không phải trả. Đối với các trường hợp khó khăn chưa trả được tiền thì Saparia cũng hoãn cho họ chưa phải trả ngay như trên hợp đồng. Trên cơ sở 2 bên cùng tồn tại mà dành cho chủ yếu các doanh nghiệp Việt tại đây sống được tồn tại được thì chúng tôi cũng sống được, tồn tại được. Và sau khi mở cửa trở lại hồi tháng 6 đến nay thì cơ bản tất cả các doanh nghiệp ở đây đã vượt qua được hết. Còn chúng tôi hiểu mục đich của việc xây dựng bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh là để phục vụ cho cộng đồng, phục vụ cho nhà nước, cho tất cả được hưởng các dịch vụ và tốt chung cho toàn bộ xã hội”, đại diện công ty Cổ phần Saparia Phát biểu tại diễn đàn.
Là một trong những doanh nghiệp trẻ, anh Nguyễn Mạnh Tùng cho biết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ở Séc có điều kiện mở rộng thị trường, bởi lẽ rất nhiều người dân, doanh nghiệp Séc đã tiếp xúc, đặt câu hỏi và mong muốn được hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
“Qua hội nghị này tôi tiếp nhận được nhiều thông tin và doanh nghiệp trẻ có thể kết nối được với quê hương và tìm những khả năng có thể phát triển và giúp đỡ thương hiệu Việt Nam đến thị trường Cộng hòa Séc và châu Âu. Tôi mong kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Séc để kết nối được với doanh nghiệp Việt Nam và có buổi gặp gỡ trực tiếp để giao lưu, chia sẻ quá trình sản xuất, logistic, vận chuyển hàng sang Cộng hòa Séc”, anh Nguyễn Mạnh Tùng chia sẻ.
“Khó khăn về chi phí vận chuyển, vì như mọi người đều biết mặt hàng kinh doanh của chúng tôi là mặt hàng châu Á nói chung và mặt hàng Việt Nam nói riêng thì chi phí vận chuyển nó lên rất cao. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu của đại dịch thì tuy giá vận chuyển cao nhưng vẫn còn có hàng. Còn đến giai đoạn 2 là giai đoạn Việt Nam đóng cửa mà Séc thì đã mở cửa thì khó khăn lại thêm khó khăn. Bởi vì lúc đó các doanh nghiệp Séc cũng mở cửa và người tiêu dùng họ đã bắt đầu quen với việc mua online, mua ở các trung tâm thương mại lớn chứ không còn tập trung mua ở các Potraviny Việt Nam nữa. Thứ nữa về nhân sự, khi đại dịch giai đoạn thì mọi người đổ vào Tamda làm. Từ làm nail, làm nhà hàng,… cũng đều lựa chọn Tamda làm việc. Nhưng đến khi mở cửa trở lại thì mọi người việc ai trở về việc người đó cho nên nhân sự vô cùng thiếu. Chi phí lấy hàng châu Á đã cao nhưng lại không đủ hàng mà lấy vì không phải vấn đề contener mà các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng đóng cửa không sản xuất, không có hàng hóa. Chúng tôi cũng được biết phía đại sứ quán cũng đang có những xúc tiến với Séc để có những nhân lực Việt sang Séc làm việc thì đó có thể là cửa mở cho các doanh nghiệp Việt ở đây”, ông Võ Văn Nam – Phó tổng giám đốc tập đoàn Tamda.
Đại sứ Việt Nam tại Séc Thái Xuân Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như sự quan tâm của các đại biểu đối với hoạt động thương mại và đầu tư Việt – Séc. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thương mại giữa Việt Nam và EU nói chung, giữa Việt Nam và Séc nói riêng vẫn giữ đà tăng trưởng tốt. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Năm 2020, kim ngạch thương mại Việt Nam – Séc đạt 1,5 tỷ USD tăng hơn 22 % so với năm 2019. Sáu tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU đạt 27 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Séc đạt 936 triệu USD, tăng 28 % so cùng kỳ năm 2020. Đây là một thành tựu đáng kể trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu, con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng khi Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA được tất cả các quốc gia thành viên EU phê chuẩn và có hiệu lực.
Đại sứ cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp có nhiều ý tưởng hơn nữa nhằm thúc đẩy thương mại 2 chiều Séc – Việt trong tương lai.
“Hiện nay vấn đề bán hàng online đang được Việt Nam rất quan tâm. Phát triển thương mại điện tử có rất nhiều ý nghĩa mà chúng ta có thể thực hiện được và không bị chi phối hay ảnh hưởng bởi đại dịch. Đây là điều mà tôi mong các doanh nghiệp suy nghĩ thêm. Thứ hai là về hiệp định thương mại EVFTA giữa Việt Nam và EU đã và đang tạo ra rất nhiều lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Séc và Eu nữa. Việt Nam nói vậy thôi nhưng chúng ta cũng đang có thị trường 100 triệu dân và người Việt Nam hiện nay cũng đang rất năng động, sáng tạo và rất cần cù chăm chỉ. Vậy để làm sao chúng ta tận được những lợi thế của hiệp định thương mại này để thúc đẩy nhập khẩu vào trong nước cũng như xuất khẩu các sản phẩm Séc sang Việt Nam. Ở châu Âu hay ở Việt Nam cũng vậy thôi, chúng tôi hi vọng các doanh nghiệp Việt suy nghĩ và nhận định xem những lợi thế thương mại nhằm thúc đẩy kinh tế hai chiều giữa Việt Nam – Séc. Thứ nữa là trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Séc các doanh nghiệp có cảm thấy có gì thuận có gì không thuận thì cũng mong các doanh nghiệp cũng đưa ra để chúng tôi có báo cáo cụ thể gửi về trong nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp Việt tại đây và cho cộng đồng người Việt tại Séc hội nhập ngày càng sâu rộng và bền vững vào xã hội sở tại”, ông Thái Xuân Dũng – Đại sứ Việt Nam tại CH Séc.
Diễn đàn thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt Nam – Cộng hòa Séc là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được Việt Nam và EU tích cực triển khai, qua đó tìm các giải pháp để thúc đẩy, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Kết thúc Diễn đàn, Đại sứ quán Việt Nam tại Séc cùng Hội người Việt Nam tại Séc đã trao kỷ niệm chương cho Tập đoàn Tamda nhằm vinh danh doanh nghiệp tiêu biểu của người Việt trên đất nước sở tại.
(BBT Tamdamedia)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này