Kinh doanh tư nhân ở Cộng hòa Séc đã trải qua một thời kỳ bùng nổ vào những năm 90. Tuy nhiên, nhiều người trong số những người đã thành lập công ty cách đây khoảng ba mươi năm hiện nay đang chuẩn bị nghỉ hưu. Tại Cộng hòa Séc, lên đến 70% các doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty gia đình. Tuy nhiên, chỉ khoảng một phần ba trong số đó có thể chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách thành công.
Ông Zdeněk Jahoda thành lập công ty thực phẩm Emco vào năm 1990. Bốn năm trước, ông quyết định rằng đã đến lúc chuyển giao công ty cho con cái. Ông chia sẻ: “Thách thức lớn nhất là đạt được sự công bằng giữa tất cả các con. Cuối cùng, tôi quyết định chuyển giao phần lớn cho con trai Martin. Còn với các con gái, những người không làm việc trong công ty như con trai, tôi đã chuyển nhượng các cổ phần thiểu số kèm theo sự đền bù tài chính”.
Ông cũng đã chuyển giao việc điều hành công ty cho con trai. “Tôi đưa ra lời khuyên, nhưng cuối cùng con trai là người quyết định, vì đây là công ty của con và là trách nhiệm của con. Vị trí của tôi trong công ty hiện rất tuyệt vời, tất cả những việc khó khăn đều do con trai đảm nhận," Ông Jahoda cho biết, đồng thời ông vẫn giữ chức vụ giám đốc điều hành.
Tuy nhiên, không phải doanh nhân nào cũng có may mắn như vậy. Ông Jiří Jemelka, người sáng lập công ty JPF Czech chuyên cung cấp dịch vụ quản lý doanh nghiệp tạm thời, cho biết: “Việc chuyển giao từ thế hệ đầu tiên sang thế hệ thứ hai, tức là từ người sáng lập sang con cái của họ, chỉ có khoảng một phần ba công ty thành công. Tỷ lệ thành công trong việc chuyển giao này sẽ giảm dần với mỗi thế hệ tiếp theo. Thế hệ thứ ba tiếp quản công ty chỉ chiếm khoảng 10 đến 12% trường hợp. Sự sẵn lòng tiếp nhận công ty phụ thuộc vào mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, cũng như cách con cái nhìn nhận công ty”.
Một trong những lĩnh vực có sự thiếu quan tâm đến việc tiếp quản doanh nghiệp từ cha mẹ thể hiện rõ nhất là ngành ẩm thực. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, ngành này đã trở thành một lĩnh vực kinh doanh khá rủi ro, với sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao.
Theo một chủ nhà hàng cho biết, trong các cuộc thảo luận trong ngành, có 9 trong số 10 chủ doanh nghiệp gặp vấn đề với kế hoạch chuyển giao công ty cho thế hệ trẻ. Dù là do mô hình kinh doanh, khi thế hệ trẻ có xu hướng ưa chuộng các hình thức như bistro hay quán cà phê, hay là do lo ngại về khối lượng công việc.
Ngay cả các doanh nhân cũng thiếu lý do hợp lý để khuyến khích thế hệ trẻ tham gia vào ngành này. Thực tế là hiện tại, ngành ẩm thực không phải là lĩnh vực hấp dẫn, có thể mang lại những điều kiện tốt cho sự phát triển cá nhân và lợi nhuận bền vững của doanh nghiệp.
Những người tiếp quản doanh nghiệp thường thực hiện nhiều thay đổi hiện đại hóa. Điều này không chỉ bao gồm việc thay đổi mô hình kinh doanh và danh mục sản phẩm mà còn áp dụng các phương pháp tiếp thị, phong cách quản lý và chiến lược giá mới. Cùng với xu hướng giảm tiêu thụ rượu bia ở giới trẻ, điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm và thậm chí là biến mất của nhiều quán bia truyền thống và các quán "bình dân" trong những năm tới.
Có rất nhiều lý do khiến con cái từ chối tiếp quản công việc kinh doanh gia đình. Một số người đơn giản chọn một lĩnh vực khác. Đối với người khác, nhịp sống bận rộn của cha mẹ lại trở thành một ví dụ khiến họ chùn bước. Họ đơn giản không muốn làm việc 16 giờ mỗi ngày. Theo ông Jemelka cho rằng: “Nếu bạn muốn duy trì tính gia đình của doanh nghiệp mình, bạn cần dành thời gian, sự chú ý và tình yêu để đầu tư vào mối quan hệ với con cái”.
Nguồn: Novinky
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này