Mượn bài thơ 'Việt Nam' của nhà thơ Ba Lan Wislawa Szymborska, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định dù hai nước Việt Nam và Ba Lan cách xa nhau về địa lý, song trái tim của nhân dân hai nước luôn hướng về nhau.
Sáng 17-1 (giờ địa phương, chiều cùng ngày giờ Việt Nam), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Tổng hợp Warsaw.
Đây là ngôi trường có bề dày truyền thống hơn 200 năm, nơi đã đào tạo 2 tổng thống và 6 thủ tướng Ba Lan, 6 nhân vật xuất sắc được trao Giải Nobel.
Việt Nam và Ba Lan không có mâu thuẫn, xung đột lợi ích
Tại Đại học Tổng hợp Warsaw, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định dù hai nước Việt Nam và Ba Lan cách xa nhau về địa lý, song trái tim của nhân dân hai nước luôn hướng về nhau.
Bài thơ Việt Nam của nhà thơ Ba Lan Wislawa Szymborska sẽ mãi đồng hành với nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Ở chiều ngược lại, đất nước Ba Lan tươi đẹp từ lâu đã hiện lên trong tâm trí người Việt qua những vần thơ của cố Phó thủ tướng, nhà thơ Tố Hữu.
"Chúng ta không có mâu thuẫn hay xung đột mà có rất nhiều điểm chung, điểm tương đồng. Giá trị cốt lõi trong quan hệ hai nước là sự gắn kết, hợp tác, chia sẻ trong những lúc khó khăn, thách thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Đánh giá cục diện thế giới và hai khu vực Đông Nam Á, Trung Đông Âu đang trải qua những thay đổi sâu sắc, nhanh hơn và khó lường hơn. Điều đáng mừng là hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chảy chính, xu thế chủ đạo.
Trong kỷ nguyên thông minh, thế giới đang bị tác động mạnh mẽ bởi ba yếu tố chủ đạo là sự bùng nổ của khoa học - công nghệ; tác động tiêu cực của các thách thức an ninh phi truyền thống; xu hướng gia tăng phân tách, phân tuyến, phân cực trên một số lĩnh vực dưới tác động của cạnh tranh địa - chiến lược và địa - kinh tế trên toàn cầu.
Đồng thời thế giới cũng được định hình, dẫn dắt bởi ba lĩnh vực tiên phong gồm phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...; đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Internet vạn vật...
Với nhiều điểm tương đồng, Thủ tướng tin tưởng Việt Nam và Ba Lan sẽ tiếp tục cùng nhau thúc đẩy hợp tác đa phương và đoàn kết quốc tế, đề cao luật pháp quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các quan tâm chung của khu vực và toàn cầu.
6 đề xuất của Thủ tướng để tạo bước đột phá trong quan hệ Việt Nam - Ba Lan
Với quan hệ song phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 6 đột phá để đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm cao mới:
Thứ nhất, tạo đột phá trong việc nâng quan hệ hợp tác, hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước, hướng đến Đối tác chiến lược; thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, trao đổi đoàn cấp cao.
Thứ hai, tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; phấn đấu đạt kim ngạch thương mại song phương 5 tỉ USD/năm.
Việt Nam mong đón nhận nhiều nhà đầu tư Ba Lan vào các lĩnh vực: nông nghiệp, chế biến nông sản và thực phẩm, chăn nuôi, y tế, dược phẩm, năng lượng tái tạo, hạ tầng cơ sở, công nghiệp hỗ trợ, logistics và hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ ba, tạo đột phá trong hợp tác thúc đẩy các lực lượng sản xuất mới tiên tiến, hiện đại như "phương thức sản xuất số".
Thủ tướng đề nghị các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp Ba Lan dành nhiều nguồn lực hơn cho hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công nghệ xanh, năng lượng sạch, công nghệ mới, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... và các công nghệ nền tảng như luyện kim, chế tạo máy…
Thứ tư, tạo đột phá trong giao lưu nhân dân; thứ năm, tạo đột phá trong phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế hợp tác đa phương; và thứ sáu, đổi mới và làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng - an ninh bằng các giải pháp linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.
"Nhìn về tương lai, tôi vững tin rằng Việt Nam và Ba Lan đang đứng trước những cơ hội lớn lao để đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, trở thành một điển hình về quan hệ hợp tác hữu nghị giữa khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này