Băn khoăn và trăn trở là những cảm xúc của hai đại sứ khi nói về các chính sách thương mại của ông Trump sau khi vào Nhà Trắng tại tọa đàm về kết quả bầu cử Mỹ do Tuổi Trẻ Online tổ chức. Song, cần biết biến 'nguy thành cơ'.
Với người đã tuyên bố "thuế quan là niềm yêu thích của tôi", ông Trump đã cảnh báo sẽ áp thuế nhập khẩu từ 10-20% với nhiều quốc gia và khu vực, thậm chí lên tới 60% với Trung Quốc, sau khi nhậm chức.
Thực tế, chính quyền 1.0 của ông Trump đã áp thuế lên một loạt quốc gia theo cam kết khi tranh cử vào năm 2016.
"Trở lại Nhà Trắng lần này, ông Trump sẽ thực hiện các cam kết đó, còn đến đâu là một chuyện khác.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều nước, nếu không muốn nói là hầu hết các nước trên thế giới có làm ăn thương mại, quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ, đặc biệt là những nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ mà Việt Nam nằm trong số đó", ông Nguyễn Quốc Cường - nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nhận định tại tọa đàm "Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ và tác động đến Việt Nam" của Tuổi Trẻ Online.
Thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng lớn, đồng thời thương mại được xác định là một trong những trụ cột trong quan hệ song phương.
Ông Cường dẫn số liệu: Vào năm 2022, 2023, thương mại Việt - Mỹ khoảng 130 tỉ USD, trong đó Mỹ xuất sang Việt Nam 10 tỉ USD, còn Việt Nam xuất sang Mỹ khoảng 120 tỉ USD.
"Như vậy thặng dư thương mại là 110 tỉ USD, đối với Mỹ là rất lớn", ông Cường nói.
Thực tế cho thấy trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Việt Nam cũng đã từng suýt bị dán nhãn thao túng tiền tệ, bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ, nhưng đã rời khỏi danh sách dưới thời Tổng thống Joe Biden.
"Việc Việt Nam có bị vào danh sách theo dõi trở lại hay không? Hoặc là Mỹ có gây sức ép bằng thuế quan 10% hay 20% hoặc thậm chí cao hơn để cân bằng cán cân thương mại hay không vẫn là một câu hỏi lớn", ông Cường nêu vấn đề.
Việt Nam cần thận trọng
Đại diện báo Tuổi Trẻ tặng hoa cho các khách mời tham dự tọa đàm ngày 7-11 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Việc áp thuế quan với các nước, trong đó có Trung Quốc, cũng có thể tạo ra sự dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam nhưng đó có thể là rủi ro làm tổn hại quan hệ kinh tế và thương mại Việt - Mỹ.
Các doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Cường, không nên lợi dụng việc Mỹ có thể áp thuế đối với hàng Trung Quốc để trở thành địa điểm trung chuyển của Trung Quốc hay một nước khác sang Mỹ bằng cách dán nhãn "made in Vietnam", bởi lợi ích trước mắt là rất ít còn hậu quả là rất lớn và kéo dài.
Lời cảnh báo này đến từ việc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, phía Mỹ đã theo dõi rất chặt chẽ hiện tượng này và đưa ra những cảnh báo, đề nghị với phía Việt Nam.
Chia sẻ thêm, Đại sứ Bùi Thế Giang - nguyên vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng - cho rằng Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp, nên chuẩn bị tinh thần cho hai thứ là thuế và vấn đề thao túng tiền tệ, bởi hai vấn đề này luôn thường trực trong tư duy của ông Trump.
"Tôi không muốn là một người lạc quan tếu, nhưng tôi lại muốn nhìn vấn đề khó khăn ấy theo cách mà nhiều người đã nói, đó là biến nguy thành cơ.
Chúng ta phải chủ động trong chính sách, trong chiến lược để có điều chỉnh. Hãy coi đó là một thách thức để chúng ta còn lớn lên, vươn lên, chứ không chỉ nhìn thấy điều đó để đối phó với Mỹ", ông Giang nêu suy nghĩ.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này