Việc khai thác hiệu quả tuyến đường sắt liên vận quốc tế để vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đến Trung Quốc và đi nhiều nước trên thế giới được xem là chìa khóa giúp hàng xuất khẩu Việt Nam rộng đường hơn và nâng cao tính cạnh tranh.
Ngày 8-11, trong lịch trình công tác ở Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành hơn một ngày với nhiều hoạt động tại Trùng Khánh. Đây là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng ở phía tây Trung Quốc.
Việc khẩn trương kết nối đường sắt và đường bộ, kết nối hạ tầng mềm, thống nhất kiểm dịch chung và thủ tục hải quan, phí và thuế giữa hai nước sẽ góp phần thúc đẩy thương mại hai chiều tăng nhanh hơn.
Giảm chi phí
Trong lịch trình cuối trước khi rời Trùng Khánh, Thủ tướng đã tới ga trung tâm container đường sắt Trùng Khánh để tham dự lễ đón chuyến tàu đường sắt thuộc tuyến đường mới trên bộ. Đây là chuyến tàu vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Trùng Khánh để đưa hàng tới nước thứ ba ở châu Âu.
Đường sắt đến Trung Quốc giúp hàng Việt ra thế giới - Ảnh 2.
Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam
ĐỌC NGAY
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất liên tục trong 5 năm và là điểm đến đầu tư lớn nhất của Trùng Khánh trong ASEAN. Bởi vậy, những đề nghị của Thủ tướng về việc tăng cường trao đổi hợp tác và tạo thuận lợi để doanh nghiệp khai thác hiệu quả tuyến đường sắt liên vận quốc tế Trung Quốc - châu Âu, đưa hàng hóa xuất khẩu đi nước thứ ba, đã được Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Viên Gia Quân đồng tình ủng hộ. Ông Viên khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất và luôn "coi trọng cao độ quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam".
Đại diện của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - đơn vị thực hiện các chuyến tàu liên vận đưa hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước thứ ba - thông tin đây là chuyến đi khởi hành đầu tiên của đoàn tàu Á - Âu trong ASEAN Express.
Chuyến tàu gồm hàng hóa của các nước ASEAN quá cảnh qua Việt Nam và hàng hóa của Việt Nam được vận chuyển từ sáu ngày trước là những linh kiện xe máy, hàng điện tử, đồ chơi của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam xuất khẩu đi châu Âu.
Các container này sẽ được nối vào các đoàn tàu Á - Âu xuất phát tại Trùng Khánh đi tới điểm cuối là các thành phố ở châu Âu. Việc vận chuyển bằng đường sắt giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa so với đường biển và có mức giá cước thấp hơn nhiều so với đường hàng không. Trong các năm vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp với chính quyền Trung Quốc và đại sứ quán các nước đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt đi châu Âu, Nga, Mông Cổ, Trung Á... với sản lượng vận chuyển tăng hằng năm ở mức hai con số.
Hỗ trợ giao thương
Trùng Khánh là điểm trung chuyển, chiếm tới 70% hàng hóa của Việt Nam quá cảnh đi châu Âu và cũng là một trong những điểm đến quan trọng cho hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường tỉ dân Trung Quốc thông qua kênh đường sắt.
Do đó tại tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc được tổ chức vào sáng 8-11 với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều doanh nghiệp hai nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến đường này cùng với vai trò của vận chuyển trong việc giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và giúp hàng hóa thâm nhập vào thị trường hiệu quả hơn.
Ông Chu Hồng Phi - tổng giám đốc đầu tư chiến lược Tập đoàn Chuỗi cung ứng Huawei Trùng Khánh - cho hay đã ký hợp đồng thu mua thực phẩm tươi trị giá 500 triệu USD với một công ty của Việt Nam. Cảm nhận đây là thị trường có "tiềm năng và sức sống", với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, vận chuyển và ưu đãi thuế quan, ông Chu Hồng Phi cho rằng hai bên cần hợp tác giúp xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp bền vững và nâng cao năng lực cung ứng nông sản. Tuy nhiên ông mong muốn cần tạo thuận lợi hơn để đơn giản hóa quy trình thông quan, tăng cường cơ sở hạ tầng để vận chuyển thuận tiện hơn, thúc đẩy hợp tác công nghệ...
Trực tiếp tham gia tọa đàm, Giám đốc điều hành King Coffee Lê Hoàng Diệp Thảo chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng hiện đã đưa sản phẩm cà phê vào tám tỉnh thành tại Trung Quốc. Các sản phẩm hàng hóa chủ yếu đi bằng đường sắt, với lợi thế là thủ tục xuất khẩu được làm ngay từ điểm đầu, đảm bảo an toàn vận chuyển và giảm chi phí nhiều so với kênh vận chuyển truyền thống.
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy - giám đốc kinh doanh quốc tế Tập đoàn TH - cho biết đã tiếp cận thị trường Trung Quốc từ năm 2019, xuất khẩu chính ngạch sữa tươi sang Thượng Hải và bơ sữa vào các thị trường như Hà Bắc, Hàng Châu... Doanh nghiệp này lại tận dụng lợi thế kênh vận chuyển qua đường biển để xuất khẩu để giảm chi phí và thời gian giao hàng. Tuy nhiên bà Thủy mong muốn đẩy nhanh hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu thông minh để hàng hóa thông quan nhanh hơn, có tính cạnh tranh hơn và mở rộng mạng lưới phân phối vào thị trường nước ngoài.
Những mong mỏi của doanh nghiệp cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình. Về các đề xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là việc đơn giản hóa thủ tục, Thủ tướng cho biết hiện hai nước đang xây dựng cửa khẩu hải quan thông minh. Việt Nam cũng đang tập trung đầu tư vào hạ tầng, hỗ trợ thuế, phí và các chính sách khác cho doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa. Đó là việc thúc đẩy hợp tác kỹ thuật, tập trung vào các ngành mới nổi, kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, truy xuất nguồn gốc, bao bì mẫu mã và quy hoạch vùng trồng. Trên cơ sở đó, Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp hai nước đến đầu tư vì mục tiêu phát triển chung mang tính hiệu quả và bền vững.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này