Nga nói nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn quay lại xứ bạch dương; Tổng thống Pháp kêu gọi hành động mạnh nếu Nga tiếp tục "từ chối hòa bình"; Mỹ không có kế hoạch hoãn áp thuế quan đối ứng... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 7-4.

Ông Zelensky than thở về Mỹ trong lúc Nga tiếp tục tấn công
Ngày 6-4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã than thở về việc Mỹ không có phản ứng trước việc Nga từ chối chấp thuận "lệnh ngừng bắn toàn diện vô điều kiện", trong bối cảnh Kiev tố Nga tăng cường các cuộc tấn công gây thương vong ở Ukraine, theo Hãng tin AFP.
"Ukraine đã đồng ý với đề xuất của Mỹ về một lệnh ngừng bắn toàn diện vô điều kiện. Còn (Tổng thống Nga) Putin từ chối. Chúng tôi đang chờ Mỹ phản ứng. Cho đến nay vẫn chưa có phản ứng nào" - ông Zelensky nói.
Ngày 6-4, Nga tuyên bố đã kiểm soát được một ngôi làng ở vùng Sumy của Ukraine trong cuộc tiến công xuyên biên giới hiếm hoi, nhưng Kiev nói đây là thông tin sai.
Trước đó trong ngày, Phó thủ tướng Ukraine Yulia Svyrydenko tố Nga "đã phát động cuộc tấn công quy mô lớn trên toàn quốc Ukraine bằng tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay không người lái".
Tổng thống Zelensky nói "số cuộc không kích của Nga đang gia tăng" và điều này chứng tỏ "áp lực lên Nga vẫn chưa đủ".
Tại thủ đô Kiev của Ukraine, người ta nghe thấy tiếng nổ vào ban đêm và khói bốc lên trong thành phố vào sáng 6-4.
Tổng thống Pháp kêu gọi hành động mạnh nếu Nga tiếp tục "từ chối hòa bình"
Ngày 6-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi "hành động mạnh mẽ" nếu Nga tiếp tục "từ chối hòa bình", chỉ vài ngày sau khi cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Nga cướp đi sinh mạng của chín đứa trẻ tại thành phố Kryvyi Rih, quê nhà của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, theo Hãng tin AFP.
Ông Macron nói rằng bất chấp những nỗ lực của Mỹ và châu Âu nhằm đạt được hòa bình ở Ukraine, Nga vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công gây thương vong cho dân thường.
"Cần phải có lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt. Và cần phải hành động mạnh mẽ nếu Nga tiếp tục cố gắng kéo dài thời gian, từ chối hòa bình" - ông Macron nhấn mạnh.
Đặc phái viên của ông Putin nói nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn quay trở lại Nga
Ông Kirill Dmitriev, đặc phái viên của Tổng thống Nga Putin về đầu tư nước ngoài và hợp tác kinh tế, vừa cho biết số lượng lớn công ty Mỹ trước đây rời khỏi Nga do áp lực chính trị đang yêu cầu quay trở lại xứ bạch dương.
Thỏa thuận hòa bình Ukraine: Ông Trump thất vọng với ông Putin lẫn Zelensky
Cố vấn khuyên ông Trump khoan điện đàm với ông Putin
Nhiều công ty Mỹ và châu Âu đã rút khỏi Nga sau làn sóng trừng phạt chưa từng có do phương Tây áp đặt lên Matxcơva sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra tháng 2-2022.
"Chúng tôi chứng kiến số lượng lớn các yêu cầu từ các công ty Mỹ, gồm trong lĩnh vực năng lượng và nhiều lĩnh vực khác" - ông Kirill Dmitriev nói với kênh truyền hình Russia 1 trong cuộc phỏng vấn ngày 6-4 về kết quả chuyến thăm gần đây của ông tới Washington.
Ông thông tin Matxcơva hiện ưu tiên các doanh nghiệp trong nước và liên doanh với các công ty nước ngoài.
Ông Dmitriev cho biết trong quá trình đàm phán với phía Mỹ, ông đã "thảo luận về số lượng lớn các dự án đầu tư tiềm năng chung vào kim loại đất hiếm, ở Bắc Cực và trong lĩnh vực khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)".
Bộ Thương mại Mỹ xác nhận không có kế hoạch hoãn áp thuế đối ứng vào ngày 9-4
Trên Đài CBS News ngày 6-4, khi được hỏi về khả năng Mỹ hoãn áp thuế đối ứng để đàm phán với một số nước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nói: "Không có chuyện hoãn lại. Chắc chắn là chúng sẽ được áp dụng trong nhiều ngày và nhiều tuần. Điều đó là hiển nhiên. Tổng thống cần phải thiết lập lại thương mại toàn cầu. Mọi người đều có thặng dư thương mại và chúng ta (Mỹ) có thâm hụt thương mại".
"Các mức thuế quan sắp được áp dụng. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo về điều đó và ông ấy không đùa. Các mức thuế sẽ được áp dụng (vào ngày 9-4)" - ông Lutnick bình luận về thông tin Washington đã nhận được lời kêu gọi từ hơn 50 quốc gia/vùng lãnh thổ về việc bắt đầu đàm phán giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối ứng.
Ông cũng được hỏi liệu Chính phủ Mỹ có cân nhắc trợ cấp hoặc hỗ trợ cho nông dân Mỹ cũng như các ngành khác sau khi áp dụng thuế quan đối ứng hay không. "Tôi chưa tham gia bất kỳ cuộc họp nào liên quan đến vấn đề đó" - ông Lutnick trả lời.
Các container được xếp chồng trên tàu chở hàng One Minato tại cảng Liberty New York ở Đảo Staten, New York, Mỹ hôm 2-4 - Ảnh: REUTERS
Mỹ muốn Hezbollah bị giải giáp "càng sớm càng tốt"
Trong cuộc phỏng vấn phát ngày 6-4, Phó đặc phái viên Mỹ tại Trung Đông Morgan Ortagus nói rằng Hezbollah và các nhóm vũ trang khác nên bị giải giáp "càng sớm càng tốt" và quân đội Lebanon được kỳ vọng sẽ thực hiện công việc này.
Bà Ortagus đã trả lời phỏng vấn Đài LBCI của Lebanon vào cuối chuyến thăm ba ngày tới Beirut. Bà đã gặp Tổng thống Lebanon Joseph Aoun, Thủ tướng Nawaf Salam, Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri và các quan chức, đại diện chính trị khác.
Bà Ortagus nói: "Rõ ràng Hezbollah cần phải bị giải giáp, và cũng rõ ràng Israel sẽ không chấp nhận việc những kẻ khủng bố bắn vào họ, vào lãnh thổ của họ. Đó là quan điểm mà chúng tôi hiểu được.
Chúng tôi tiếp tục gây sức ép với chính phủ nước này thực thi đầy đủ việc chấm dứt hành động thù địch. Điều đó bao gồm cả việc giải giáp Hezbollah và tất cả các lực lượng dân quân".
Đứa trẻ thứ hai ở Mỹ tử vong vì bệnh sởi, gần 650 người mắc bệnh
Ngày 6-4, Hãng tin AFP dẫn thông tin từ giới chức Mỹ cho biết đợt bùng phát bệnh sởi đã cướp đi sinh mạng của đứa trẻ thứ hai tại khu vực tây nam nước Mỹ. Hiện đã có gần 650 người bị nhiễm bệnh khi căn bệnh rất dễ lây lan này tiếp tục lan rộng.
"Chúng tôi vô cùng đau buồn khi phải thông báo rằng một em học sinh gần đây được chẩn đoán mắc bệnh sởi đã qua đời" - ông Aaron Davis, phó chủ tịch Trung tâm y tế UMC Health System tại bang Texas, chia sẻ.
Bão và lũ ở Mỹ, 17 người chết
Ngày 6-4, các quan chức Mỹ thông tin những cơn bão dữ dội tấn công miền trung và đông nước Mỹ đã khiến ít nhất 17 người thiệt mạng. Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cũng đã cảnh báo về lũ quét "tàn khốc", theo Hãng tin AFP.
Những bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội và truyền thông địa phương cho thấy thiệt hại trên diện rộng do bão gây ra ở một số tiểu bang. Nhiều ngôi nhà bị phá hủy, cây cối ngã đổ, đường dây điện bị đứt và ô tô bị lật.
Cảnh báo lũ vẫn đang có hiệu lực, đặc biệt tại các bang Kentucky, Tennessee và Alabama. Bang Tennessee là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất, với 10 người thiệt mạng được ghi nhận ở khu vực phía tây của bang.
Tầng tầng ký ức

Người dân đi thăm viếng mộ phần của người thân tại nghĩa trang Pok Fu Lam trong tiết Thanh minh ở Hong Kong, Trung Quốc - Ảnh: AFP
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này