Nhiều thành phố tại Cộng hòa Séc đang đối mặt với tình trạng số lượng chim bồ câu sinh sôi mất kiểm soát, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho môi trường đô thị và sức khỏe cộng đồng. Phân chim không chỉ gây hư hại các công trình kiến trúc, làm bẩn tường nhà và mái ngói, mà còn là nguồn lây nhiễm các bệnh nguy hiểm đối với người già và người có hệ miễn dịch yếu.
Chim bồ câu sinh sôi không kiểm soát, điều này thực sự có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Theo chuyên gia, khi lượng phân phim quá lớn, nó có thể trở thành mối nguy hiểm về y tế. Điều này thường xảy ra tại các gác mái bị bỏ hoang, nơi tập trung rất nhiều phân chim, và cũng là nơi phát sinh các chất gây dị ứng, ký sinh trùng và các tác nhân tương tự.
Một con chim bồ câu có thể thải ra tới 12 kg phân mỗi năm. Theo ước tính, tổng số lượng chim bồ câu ở Cộng hòa Séc hiện nay là khoảng nửa triệu con. Như vậy, mỗi năm, chúng tạo ra lượng phân tương đương với khoảng 250 xe tải 20 tấn chất đầy.
Một cặp chim bồ câu có thể sinh tới 10 con non mỗi năm, vì vậy các địa phương đang đau đầu tìm cách kiểm soát tốc độ sinh sản quá nhanh của chúng. Việc bắn hạ chim trong khu vực đô thị không được phép và hơn nữa cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Tại thành phố Jevíčko, thuộc Svitavsko, chính quyền đã quyết định xây dựng một chuồng bồ câu ngay gần trung tâm thị trấn để kiểm soát tình hình. Chim sẽ được huấn luyện bay về chuồng này, được cho ăn thường xuyên, và sau khi đẻ trứng, các quả trứng thật sẽ được thay bằng trứng giả. Theo thành phố, đây là một phương pháp nhân đạo để giảm dần số lượng bồ câu, nên đã quyết định thử nghiệm mô hình này.
Nguồn: CNN Prima NEWS
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này