Các công ty quốc phòng và công nghệ, bao gồm cả doanh nghiệp của tỉ phú Elon Musk, đang chờ đón các hợp đồng tiềm năng khi chiến dịch cải tổ của DOGE khiến nhiều cơ quan Chính phủ Mỹ rối loạn.

Trong bối cảnh nền chính trị và kinh tế thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, tỉ phú Elon Musk - người đàn ông giàu nhất thế giới và hiện lãnh đạo Ban Hiệu suất chính phủ Mỹ (DOGE) - đã dẫn đầu chiến dịch cắt giảm ngân sách chi tiêu liên bang và loại bỏ những cơ quan mà ông cho là không hiệu quả.
Tuy nhiên, câu hỏi khiến không ít người băn khoăn rằng liệu mục tiêu của người đàn ông này có thực sự là cắt giảm chi tiêu để cải thiện hiệu quả cho các hoạt động của chính phủ, hay liệu những thay đổi này sẽ mang lại lợi ích lớn cho các công ty tư nhân, trong đó có chính những doanh nghiệp của ông?
Doanh nghiệp tư nhân khen ngợi
Trong khi thực hiện những đợt cắt giảm sâu rộng và gây ảnh hưởng đến hàng chục cơ quan liên bang, tạo nên làn sóng bất ổn chưa từng có với nhân viên chính phủ và các tổ chức dân sự, tỉ phú Musk và những người ủng hộ ông đã kêu gọi áp dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều cơ quan liên bang, cũng như tiến hành cải tổ toàn diện các chương trình vũ khí của Mỹ.
Các công ty công nghệ và quốc phòng, đặc biệt là những tên tuổi lớn như Palantir - công ty công nghệ được cho là có quan hệ chặt chẽ với Chính phủ Mỹ, đang nhận thấy cơ hội gia tăng sức ảnh hưởng của họ đến chính quyền mới, báo Guardian ngày 16-2 cho biết.
Các giám đốc điều hành của Palantir đã ca ngợi DOGE trong một cuộc họp công bố lợi nhuận vào tuần trước, cho rằng sự gián đoạn trong hoạt động của các cơ quan liên bang mà nhóm cải tổ của ông Musk tạo ra là điều tốt cho công ty.
Palantir đã giành được hàng trăm triệu USD hợp đồng quân sự của Mỹ trong những năm gần đây cho các dự án liên quan đến AI.
Các giám đốc điều hành khác, như ông Brian Armstrong của sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase và các nhà thầu quốc phòng như Lockheed Martin và Northrop Grumman, cũng dành lời khen ngợi cho các kế hoạch của DOGE.
Trong khi đó, các công ty của tỉ phú Musk như SpaceX cũng đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong các chương trình chính phủ - như cách SpaceX đã hợp tác với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) trong suốt nhiều năm đến mức công ty này hiện đảm nhận phần lớn các vụ phóng tàu vũ trụ của Mỹ.
SpaceX và Starlink giờ đây đã trở thành những đối tác chiến lược quan trọng của chính phủ, tham gia vào các nhiệm vụ quan trọng như công nghệ vệ tinh và hợp đồng quân sự.
Mối liên hệ chặt chẽ này giúp ích rất nhiều cho việc tỉ phú Musk gia tăng ảnh hưởng trong quá trình cải cách bộ máy chính phủ liên bang Mỹ, thậm chí ngay cả trước khi ông trở thành một nhân vật nổi bật trong chính quyền mới này.
Lo ngại lạm quyền
Với những gì ông Musk đã làm khiến bộ máy nhân sự Mỹ lao đao những ngày gần đây, giới quan sát lo ngại về việc quyền lực ngày càng tập trung vào tay một tỉ phú có mối quan hệ sâu rộng với chính quyền Trump.
Các nhà phê bình nhận xét sự tham gia của ông Musk có thể dẫn đến xung đột lợi ích và ảnh hưởng quá mức đối với các hợp đồng chính phủ, đặc biệt khi chính quyền ông Trump đã sa thải nhiều giám sát viên chịu trách nhiệm giám sát các hành vi sai trái trong bộ máy nhà nước.
Bên cạnh đó, việc tỉ phú Musk ngày càng có nhiều quyền lực để tham gia sâu vào các hoạt động của Chính phủ Mỹ cũng đặt ra những câu hỏi lớn về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Các tổ chức giám sát như Citizens for Responsibility and Ethics in Washington (Crew) cho rằng quyền lực của vị tỉ phú trong các cơ quan liên bang, đặc biệt khi thiếu các cơ chế kiểm tra quyền lực của ông, có thể dẫn đến tham nhũng chính trị.
Hơn nữa, việc ông Musk giữ chức "nhân viên đặc biệt của chính phủ" cho phép ông tránh được các yêu cầu công khai tài chính, càng làm gia tăng lo ngại về xung đột lợi ích.
Mặc dù chính quyền ông Trump đã bác bỏ những chỉ trích này và khẳng định rằng mọi xung đột lợi ích sẽ được xem xét, giải quyết theo từng trường hợp cụ thể, nhưng lo ngại về khả năng ông Musk có thể ảnh hưởng đến các quyết định của chính phủ theo hướng có lợi cho hoạt động kinh doanh của mình vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Điều này tiếp tục làm dấy lên câu hỏi về tác động lâu dài của kế hoạch cải cách đầy tham vọng này.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này