Cuộc khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc đang leo thang khi Tổng thống Yoon Suk Yeol đối mặt nguy cơ luận tội và cáo buộc phản quốc sau tuyên bố thiết quân luật.
Sau động thái ban bố thiết quân luật vào đêm ngày 3-12 gây chấn động Hàn Quốc nói riêng và cả thế giới nói chung, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu luận tội và cáo buộc hình sự về tội phản quốc - một tội danh có thể bị tử hình.
Tội phản quốc, hoặc cố gắng phản quốc, là một trong hai tội danh mà tổng thống đương nhiệm có thể bị truy tố. Nếu các cáo buộc phản quốc đối với ông Yoon được xác nhận, ông có thể là tổng thống Hàn Quốc đầu tiên bị truy tố khi đang tại chức.
Các chuyên gia pháp lý phần lớn đồng tình rằng quyết định tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon không có cơ sở pháp lý, vì Hiến pháp Hàn Quốc chỉ cho phép hành động này trong trường hợp chiến tranh hoặc các tình huống tương tự chiến tranh đòi hỏi phản ứng khẩn cấp để duy trì ổn định xã hội.
Tuy nhiên, các ý kiến về việc Tổng thống Yoon có thể bị truy tố tội phản quốc hay không lại có sự khác biệt.
Vẫn có khả năng bị kết tội
Tại cuộc họp lãnh đạo của Đảng Dân chủ Hàn Quốc vào hôm 5-12, lãnh đạo đảng đối lập Lee Jae Myung đã đưa ra lời tuyên bố rằng hành động ban bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon - triển khai binh lính đến nhà Quốc hội và cố gắng cản trở nỗ lực của Quốc hội nhằm lật ngược quyết định của ông - là một âm mưu đảo chính thất bại.
Mặc dù tổng thống có quyền ban bố thiết quân luật, nhưng Hiến pháp quy định Quốc hội có thể hủy bỏ sắc lệnh này thông qua một cuộc bỏ phiếu với đa số phiếu.
Điều 87 của Bộ luật Hình sự Hàn Quốc quy định rằng tội phản quốc được định nghĩa là "hành động bạo loạn nhằm chiếm đoạt lãnh thổ quốc gia hoặc lật đổ Hiến pháp". Người được xác định chịu trách nhiệm chính cho hành vi này có thể bị tử hình hoặc tù chung thân.
Hiến pháp cũng nêu rõ tổng thống "không bị truy tố về tội hình sự trong nhiệm kỳ của mình" trừ các trường hợp liên quan đến nổi dậy hoặc phản quốc.
Việc tổng thống tuyên bố thiết quân luật có thể không phải là phản quốc, theo chuyên gia luật hình sự Lee Chang Hyun. Nhưng những hành động tiếp theo, chẳng hạn như tìm cách bắt giữ các nhà lãnh đạo chính trị, có thể bị coi là tội phản quốc.
Giáo sư luật Han In Sup làm việc tại Đại học Quốc gia Seoul nhận định trên mạng xã hội rằng ông Yoon có thể bị kết tội phản quốc nếu ông đã cố gắng ngăn cản các nghị sĩ vào Quốc hội - điều mà ông vốn đã thực sự làm đêm 3-12.
Đồng ý với ý kiến của giáo sư Han, giáo sư luật Suh Bo Hak tại Đại học Kyung Hee trong cuộc phỏng vấn với tờ Yonhap News cũng cho rằng việc quân đội thiết quân luật xâm nhập vào tòa nhà Quốc hội có thể được xem là bằng chứng cho ý đồ lật đổ Hiến pháp của ông Yoon.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đồng tình với ý kiến cho rằng Tổng thống Yoon có thể bị kết tội phản quốc.
Theo đó, họ cho rằng tuyên bố thiết quân luật là quyền hạn của tổng thống và không thể kết tội phản quốc do không có hành động bạo lực nào xảy ra trong quá trình này. Họ cũng nhấn mạnh theo yêu cầu của pháp luật, ông Yoon đã thu hồi sắc lệnh sau khi Quốc hội nhất trí vô hiệu hóa nó.
Giáo sư luật Jang Young Soo tại Đại học Korea so sánh tình huống này với phán quyết năm 1997 của Tòa án tối cao, trong đó kết tội phản quốc hai cựu tổng thống Chun Doo Hwan và Roh Tae Woo.
Ông cho rằng thiết quân luật mà ông Yoon ban bố không giống như các trường hợp trước đây liên quan đến ông Chun và ông Roh, không gây thương vong hay vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nên tòa án có thể sẽ đánh giá khác.
Cảnh sát thông báo một đội gồm 120 điều tra viên sẽ xem xét các cáo buộc phản quốc nhắm vào ông Yoon và những người liên quan. Một nhóm khác do Trưởng Văn phòng công tố viên cấp cao Seoul Park Se Hyun lãnh đạo cũng sẽ tiến hành điều tra.
Quốc hội nước này dự kiến bỏ phiếu cho kiến nghị luận tội ông Yoon vào khoảng 17h ngày 7-12 (giờ địa phương).
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này