Các nhà quan sát nhận định Hàn Quốc sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực Đông Á khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống.
Đài CNA dẫn lời một số nhà phân tích nhận định trong khi các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể cùng nhau “vật lộn” với những yêu cầu từ phía tổng thống đắc cử Donald Trump thì vị thế của Hàn Quốc lại khó khăn hơn nhiều.
Không có các đồng minh nằm bên cạnh, Hàn Quốc phải đơn độc đối đầu với Triều Tiên - quốc gia được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng không tốt do những mâu thuẫn trong lịch sử.
Chính điều này khiến Hàn Quốc có thể trở thành quốc gia chịu tác động nhiều nhất khu vực Đông Á sau khi ông Trump chính thức bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống mới của mình.
Dân Hàn ‘ngồi trên đống lửa’ khi ông Trump đắc cử
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua, ông Donald Trump đã mô tả quan hệ liên minh Mỹ - Hàn là một “món hời tồi tệ” đối với Washington. Tổng thống đắc cử của Mỹ cũng hứa sẽ bắt Seoul trả 10 tỉ USD để giữ chân 28.500 quân nhân Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc.
Vì vậy, các quan chức và người dân Hàn Quốc lo ông Trump có thể rút quân đội Mỹ khỏi lãnh thổ nước này, bỏ lại Seoul một mình đối đầu với Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh những căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên đang tăng cao.
“Quan hệ Hàn Quốc - Mỹ sẽ đi vào dông bão. Nhưng chúng ta có thể sẽ thấy ông Kim Jong Un và ông Trump gửi ‘thư tình’ cho nhau một lần nữa”, ông Lee Byung Chul, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul nói.
Hiện Triều Tiên vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào trước chiến thắng của tỉ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể xem kết quả này như một cơ hội để khởi động lại các cuộc đàm phán với Mỹ.
Thậm chí, giới quan sát dự đoán ông Kim có thể “mặc cả” với Washington nhiều hơn so với những cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên trong nhiệm kỳ trước của ông Trump. Bởi kể từ khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ trước cho đến nay, Bình Nhưỡng đã mở rộng đáng kể kho vũ khí. Điều này cho phép nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra yêu sách cao hơn để “hạ nhiệt” chương trình hạt nhân của họ.
Trả lời nhật báo kinh tế Maeil, cựu bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc Yoon Young Kwan cho biết sẽ không dễ dàng khi Mỹ đưa ra thỏa thuận mà trong đó Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, đổi lại Bình Nhưỡng phải ngừng phát triển các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) - loại tên lửa có khả năng mang vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên có thể dùng để tấn công Hàn Quốc.
“Tuy nhiên, nếu điều đó thực sự xảy ra, Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với những mối đe dọa từ Triều Tiên như các vũ khí hạt nhân chiến thuật và tên lửa tầm ngắn”, ông Yoon thêm.
Tờ New York Times dẫn một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy 70% người Hàn Quốc tham gia khảo sát tin rằng Seoul nên tự trang bị vũ khí hạt nhân cho riêng mình.
“Khả năng đắc cử lần nữa của ông Donald Trump càng cao thì nỗi sợ về việc phải đơn độc chạm trán với một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân trong khi Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân càng tăng”, ông Park In Kook, cựu đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hiệp Quốc phát biểu trong một diễn đàn hồi tháng 7.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol từng có ý định tự trang bị vũ khí hạt nhân cho Hàn Quốc nhưng ý định này đã bị gác lại hồi năm 2023, sau khi ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden ký “tuyên bố Washington”.
Theo tuyên bố này, Seoul cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân trong khi Washington tái khẳng định sẽ bảo vệ đồng minh của mình bằng mọi nguồn lực quân sự, kể cả hạt nhân.
Liệu ‘mối tình’ giữa ông Trump và ông Kim có nối lại?
Theo tờ New York Times, ông Donald Trump và ông Kim dường như đã “phải lòng nhau" khi họ lần đầu tiên gặp mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất ở Singapore vào năm 2018, dù trước đó hai nhà lãnh đạo có những màn đấu khẩu dữ dội.
Sau đó đến năm 2019, ông Trump và ông Kim gặp nhau lần thứ hai tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất ở Hà Nội. Cũng trong năm 2019, ông Trump và ông Kim gặp lại nhau lần thứ ba tại Bàn Môn Điếm. Khi đó, ông Trump đã ghi dấu vào lịch sử với tư cách là tổng thống Mỹ đầu tiên bước vào đất Triều Tiên tại khu vực phi quân sự (DMZ) ở biên giới Hàn - Triều.
Tuy nhiên, cả Washington và Bình Nhưỡng vẫn chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận nào sau ba lần hội nghị thượng đỉnh.
Khi tổng thống đắc cử Trump trao đổi với Tổng thống Yoon qua điện thoại hôm 7-11, ông Trump đã thể hiện sự quan tâm đến vấn đề Triều Tiên, trong đó bao gồm các vụ thử tên lửa gần đây và các vụ Bình Nhưỡng thả bóng bay chứa rác sang Hàn Quốc.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn cũng đồng ý gặp nhau trong thời gian sớm nhất. Điều này càng khiến giới quan sát tin rằng ông Trump dành một sự quan tâm nhất định đến vấn đề bán đảo Triều Tiên. Đồng thời cho thấy khả năng ông và ông Kim sẽ sớm gặp lại nhau để tái khởi động các cuộc đàm phán giữa hai bên.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này