Giá thực phẩm tại Séc trong những tuần gần đây lại bắt đầu tăng nhẹ. Theo các chuyên gia, tình hình sẽ còn trở nên xấu hơn nữa. Bộ trưởng nông nghiệp Marek Výborný cho rằng, nguyên nhân không phải là ở chỗ những người làm nông nghiệp mà là do các nhà sản xuất thực phẩm, các nhà chế biến hoặc do các nhà bán lẻ.
Theo Bộ trưởng Bộ nông nghiệp Výborný, giá thực phẩm nói chung đã giảm trong suốt chín tháng liên tiếp. Chính thực phẩm đã góp phần kéo lạm phát tại Séc xuống. Trong tháng 9, giá thực phẩm trung bình đã tăng 0,6%, và đến tháng 10, con số này là 0,9%.
Nhiều sản phẩm cụ thể đã có sự tăng giá đáng kể theo từng tháng. Bộ trưởng cũng đã đặt câu hỏi với các nhà sản xuất, nhà chế biến thực phẩm và nhà bán lẻ về lý do dẫn đến việc tăng giá đột ngột này. Mặc dù giá các sản phẩm từ sữa và chất béo đang tăng đều đặn trên toàn châu Âu, nhưng mức tăng ở Séc lại cao hơn đáng kể. Ông Výborný cho biết vấn đề chắc chắn không nằm ở nông dân hay những người chăn nuôi gia súc. Theo ông, vấn đề hiện nay nằm ở khâu giữa các nhà chế biến thực phẩm và các nhà bán lẻ.
Theo bà Margita Balaštíková, thành viên Ủy ban Nông nghiệp Quốc hội, vấn đề tăng giá hàng hóa rất phức tạp và cần phải xem xét từng loại thực phẩm riêng lẻ. Chẳng hạn, đối với bơ, chất béo từ sữa cần nhiều hơn so với trước đây và nhu cầu tiêu thụ lớn ở châu Âu khiến nguồn cung bị thiếu hụt, dẫn đến giá bắt đầu tăng.
Bà Balaštíková cũng bổ sung rằng phần trách nhiệm về việc tăng giá này một phần cũng thuộc về chính phủ. Theo bà, chính phủ nên thiết lập các khoản trợ cấp sao cho giá thực phẩm giảm xuống – ví dụ, có thể nhắm vào việc hỗ trợ các thiết bị máy móc hoặc việc hiện đại hóa chúng. Bà cũng cho biết đã kêu gọi thiết lập tỷ lệ biên lợi nhuận cố định đối với các loại thực phẩm cơ bản, nhưng các nghị sĩ trong Quốc hội đã từ chối đề xuất này.
Giá thực phẩm tăng cũng phần nào ảnh hưởng đến mức tiêu thụ của chúng. Năm ngoái, mức tiêu thụ giảm xuống còn 788 kg mỗi người mỗi năm, giảm khoảng 12 kg so với năm trước. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ này vẫn tương đương với mức trung bình trong suốt 30 năm qua. Người dân tiêu thụ ít hơn các sản phẩm như sữa, thịt lợn, đậu và các loại trái cây, rau củ, trong khi lại ăn nhiều bánh mì, mì ống, thịt bò và gia cầm hơn.
Nguồn: ČT24
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này