Từ đầu năm 2026, việc khám sức khỏe định kỳ tại các phòng khám bác sĩ đa khoa sẽ có nhiều thay đổi. Bệnh nhân sẽ được làm nhiều xét nghiệm cận lâm sàng chính xác hơn và một số trong đó sẽ được thực hiện sớm hơn so với trước đây. Thay vì kiểm tra tổng quát đơn thuần, trọng tâm mới sẽ là phát hiện sớm các bệnh lý khởi phát — đặc biệt là các bệnh về tim mạch. Dựa trên kết quả đó, bác sĩ sẽ xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp cho bệnh nhân trong tương lai.
Ông Petr Šonka, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Đa khoa Séc cho biết: “Cuối buổi khám, bác sĩ nên đánh giá kết quả xét nghiệm và lập kế hoạch điều trị cũng như các biện pháp thay đổi lối sống cho bệnh nhân trong vòng 2 năm tiếp theo. Các bác sĩ cần giải thích cho bệnh nhân biết họ đang mắc bệnh gì, cách mà bác sĩ sẽ điều trị, và họ cần tự làm gì để cải thiện sức khỏe. Đồng thời, cần xây dựng một kế hoạch cụ thể với các mục tiêu rõ ràng – ví dụ như mức cholesterol nên được giảm xuống bao nhiêu”. Theo ông Mô hình chăm sóc bệnh nhân mới mang tính cá nhân hóa nhiều hơn.
Khoảng 60% dân số đi khám sức khỏe tổng quát 2 năm 1 lần. Mức độ quan tâm đến khám tổng quát đang tăng lên, một phần nhờ khoản hỗ trợ từ các hãng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người bỏ qua việc khám tổng quát, dẫn đến tình trạng các bệnh mạn tính không được phát hiện kịp thời.
Từ tháng 1 năm sau, các phòng khám sẽ tập trung nhiều hơn vào vấn đề này. Danh mục cũng như tần suất các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ được mở rộng – các xét nghiệm này sẽ được thực hiện cho mọi bệnh nhân mới đăng ký và sau đó ở những mốc tuổi nhất định.
Chẳng hạn, cholesterol sẽ được kiểm tra từ 25 tuổi, thay vì chỉ xét nghiệm ở tuổi 18 và sau đó là 30 tuổi – vốn tạo ra khoảng cách quá lớn giữa các lần kiểm tra. Quy định tương tự cũng sẽ áp dụng cho xét nghiệm đường huyết và mỡ máu.
Các bác sĩ sẽ bắt đầu làm xét nghiệm huyết học, điều trước đây chưa được thực hiện. “Khoảng 20% phụ nữ bị thiếu máu, và việc này có thể giúp phát hiện sớm tình trạng đó,” ông Šonka cho biết.
Nhờ các xét nghiệm chính xác hơn và phân tích tỉ lệ các chất trong nước tiểu, bác sĩ cũng sẽ có khả năng phát hiện sớm chức năng thận suy giảm và kịp thời bắt đầu điều trị.
Đo điện tim (EKG) từ năm 30 tuổi
Việc theo dõi một số chất cụ thể trong cơ thể cũng sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu ban đầu của suy tim. “Các bác sĩ có khả năng phát hiện bệnh ở những người chưa có triệu chứng lâm sàng, nhờ xét nghiệm market được thực hiện định kỳ hai năm một lần từ tuổi 50. Trường hợp cần thiết, bệnh nhân sẽ được giới thiệu đến bác sĩ tim mạch,” ông Šonka giải thích.
Một điểm mới hoàn toàn là xét nghiệm lipoprotein (a) từ mẫu máu – một chất giúp xác định nguy cơ rối loạn chuyển hóa chất béo và nhồi máu cơ tim. Mức lipoprotein (a) cao có thể dẫn đến tắc nghẽn và tổn thương mạch máu một cách thường xuyên hơn. “Đây là một xét nghiệm chỉ cần thực hiện một lần trong đời, vì giá trị của chỉ số này không thay đổi – hoặc là cao, hoặc là thấp. Nhờ đó, các bác sĩ có thể xác định những bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao hơn, từ đó theo dõi và điều trị phù hợp,” bác sĩ Šonka giải thích. Ông cũng bổ sung rằng đối với phụ nữ, xét nghiệm này sẽ được thực hiện một lần nữa sau thời kỳ mãn kinh.
Bác sĩ sẽ tiến hành đo điện tim (EKG) cho bệnh nhân thường xuyên hơn. Hiện nay, EKG thường được thực hiện lần đầu ở tuổi 40 và lặp lại sau mỗi 4 năm. Tuy nhiên, theo quy định mới, xét nghiệm này sẽ được thực hiện ngay từ lần khám đầu tiên, tiếp theo là ở tuổi 30, sau đó là 4 năm 1 lần và từ tuổi 40 sẽ là 2 năm 1 lần.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ quan tâm đến việc bệnh nhân có tham gia các chương trình phòng ngừa khác hay không — chẳng hạn như đi khám nha khoa định kỳ, phụ nữ đi khám phụ khoa hoặc có tham gia chương trình tầm soát ung thư hay không.
Những thay đổi cuối cùng vẫn chưa được Bộ Y tế ban hành, do quá trình góp ý vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, thời điểm có hiệu lực dự kiến sẽ là ngày 1 tháng 1 năm 2026.
Theo Bộ Y tế, hệ thống khám sức khỏe mới sẽ chú trọng nhiều hơn đến các yếu tố nguy cơ bệnh tật cụ thể ở từng bệnh nhân và áp dụng phương pháp tiếp cận cá nhân hóa. Dự thảo sửa đổi cũng nhấn mạnh đến công tác phòng ngừa bệnh ung thư, đặc biệt thông qua các chương trình tầm soát và phát hiện sớm, đồng thời quan tâm đến phòng chống loãng xương và sa sút trí tuệ.
Các cuộc khám sức khỏe phòng ngừa được bảo hiểm y tế chi trả hiện nay:
Ở bác sĩ đa khoa: 2 năm 1 lần từ 18 tuổi trở lên
Ở nha sĩ: mỗi năm 1 lần từ 18 tuổi trở lên + 1 lần kiểm tra định kỳ/năm (không phải kiểm tra phòng ngừa), phụ nữ mang thai được khám 2 lần trong suốt thai kỳ
Ở bác sĩ phụ khoa: mỗi năm 1 lần (từ 15 tuổi trở lên)
Các xét nghiệm khác được bảo hiểm y tế chi trả đầy đủ hiện nay:
- Xét nghiệm cholesterol và mỡ máu: ở tuổi 18, tiếp theo ở tuổi 30, 40, 50 và 60
- Xét nghiệm đường huyết: ở tuổi 18 và 30, sau đó từ 40 tuổi trở đi là 2 năm 1 lần
- Điện tâm đồ (EKG): từ 40 tuổi, 4 năm 1 lần
- Xét nghiệm máu ẩn trong phân: từ 50–55 tuổi hằng năm, sau đó 2 năm 1 lần
- Kiểm tra chức năng thận (dành cho người bị tiểu đường, cao huyết áp hoặc bệnh tim): từ 50 tuổi 4 năm 1 lần
- Nội soi đại tràng: từ 50 tuổi 10 năm 1 lần
- Chụp nhũ ảnh (mamograf): từ 45 tuổi 2 năm 1 lần
- Tầm soát ung thư cổ tử cung: từ 15 tuổi mỗi năm 1 lần (có thể có ngoại lệ)
- Xét nghiệm HPV: ở tuổi 35, 45 và 55
Nguồn: Novinky
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này