Căn cứ Luật Quốc tịch sửa đổi được Quốc hội ban hành ngày 24/6/2025 và Nghị định số 191/2025/NĐ-CP ngày 01/7/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam. Ban CTCĐ xin kính gửi Quý LHH về những điểm mới của Luật Quốc tịch sửa đổi và Nghị định 191/2025/NĐ-CP để phổ biến đến các hội đoàn và bà con cộng đồng người Việt Nam tại địa bàn như sau:
I. Các chính sách mới
1. Nhập quốc tịch: tạo thuận lợi về nhập quốc tịch cho các đối tượng là thân nhân của công dân Việt Nam được miễn một số điều kiện, được nộp hồ sơ tại CQĐD nơi cư trú, được giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng các điều kiện và được Chủ tịch nước cho phép (Điều 19 Luật Quốc tịch sửa đổi 2025).
2. Trở lại quốc tịch: tất cả các trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam được xem xét giải quyết trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng các điều kiện và được Chủ tịch nước cho phép (Điều 23 Luật Quốc tịch sửa đổi 2025).
3. Xác định quốc tịch của trẻ lai: trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài, không phụ thuộc vào việc trẻ đã được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc có quốc tịch nước ngoài hay chưa, chỉ cần cha mẹ thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam (khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch sửa đổi 2025, điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định).
4. Tên ghép giữa tiếng Việt và tiếng nước ngoài: người xin nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài, trẻ em có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài thì có thể có tên ghép giữa tiếng Việt và tiếng nước ngoài (khoản 4 Điều 19, khoản 4 Điều 23 Luật Quốc tịch sửa đổi 2025; khoản 2 Điều 9 Nghị định).
5. Bỏ thủ tục Xác định có quốc tịch Việt Nam trong Luật Quốc tịch sửa đổi 2025 và Nghị định 16/2020/NĐ-CP; chỉ giữ lại thủ tục Xác nhận có quốc tịch Việt Nam (Điều 29, 30 Nghị định).
6. Giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử: bổ sung quy định về Cơ sở dữ liệu quốc tịch; nộp hồ sơ và giải quyết các việc về quốc tịch trực tuyến (trừ hồ sơ xin nhập quốc tịch) phù hợp với mức độ triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quốc tịch (Điều 3-6 Nghị định).
7. Mở rộng thẩm quyền, trách nhiệm của CQĐD: (i) tiếp nhận các hồ sơ xin nhập quốc tịch của cá nhân cư trú ở nước sở tại; (ii) thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin nhập/trở lại thôi quốc tịch Việt Nam, xem xét và đề xuất ý kiến về các trường hợp xin giải quyết các việc về quốc tịch, chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất về Bộ Tư pháp, đồng thời gửi thông tin về Bộ Ngoại giao để phối hợp; (iii) thực hiện việc cập nhật, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc tịch; (iv) tiếp nhận, giải quyết theo thẩm quyền các yêu cầu về quốc tịch trên môi trường điện tử phù hợp với mức độ triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quốc tịch; (v) cập nhật thường xuyên pháp luật quốc tịch của nước sở tại (Khoản 5 Điều 40 Luật Quốc tịch sửa đổi 2025; khoản 5 Điều 6 và các điểm b, e khoản 2 Điều 34 Nghị định).
II. Các quy định cụ thể
1. Về nhập quốc tịch
1.1. Các trường hợp được tạo thuận lợi nhập quốc tịch
- Điều 19 Luật Quốc tịch sửa đổi đã tạo điều kiện thuận lợi về nhập quốc tịch cho các đối tượng là thân nhân của công dân Việt Nam, cụ thể:
(i) Người có vợ, chồng hoặc con đẻ là công dân Việt Nam thì được miễn một số điều kiện (biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam, thời gian thường trú ở Việt Nam từ 05 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam, có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam).
(ii) Người có cha, mẹ hoặc ông bà là công dân Việt Nam; người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; người có lợi cho Nhà nước Việt Nam; người chưa thành niên xin nhập quốc tịch theo cha hoặc mẹ được miễn một số điều kiện (biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam, đang thường trú tại Việt Nam, thời gian thường trú ở Việt Nam từ 05 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam, có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam).
- Các cá nhân thuộc nhóm (i) và (ii) nêu trên được giữ quốc tịch nước ngoài nếu việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước đó và không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Việt Nam.
1.2. Hồ sơ xin nhập quốc tịch
- Điểm d khoản 1 Điều 20 Luật Quốc tịch sửa đổi 2025 đã bỏ yêu cầu phải có Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, chỉ yêu cầu Giấy tờ chứng minh thông tin lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp phù hợp với pháp luật của nước đó đối với thời gian cá nhân cư trú ở nước ngoài.
- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài phải có giấy tờ sau:
(i) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp về việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước đó. Trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp loại giấy tờ này thì người đó phải có bản cam đoan về việc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không quy định việc cấp loại giấy tờ này và việc xin giữ quốc tịch nước ngoài là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
(ii) Bản cam kết không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Việt Nam.
1.3. Trình tự, thủ tục xin nhập quốc tịch
- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho CQĐD ở sở tại nếu cư trú ở nước ngoài. Trong trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ theo quy định hoặc không hợp lệ thì CQĐD thông báo ngay để cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Trong thời hạn không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, CQĐD có trách nhiệm thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam và chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất về việc xin nhập quốc tịch Việt Nam về Bộ Tư pháp; đồng thời gửi thông tin về Bộ Ngoại giao để phối hợp.
- Bộ Công an có trách nhiệm xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam trong 45 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tư pháp; trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài thêm nhưng không quá 60 ngày.
- Sau khi nhận được Quyết định của Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam gửi kèm thông báo của Bộ Tư pháp, CQĐD có trách nhiệm tổ chức Lễ trao Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam cho người được nhập quốc tịch Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài.
2. Về trở lại quốc tịch
2.1. Mở rộng các trường hợp được trở lại quốc tịch
- Khoản 1 Điều 23 Luật Quốc tịch được sửa đổi như sau: “Người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 của Luật này có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì được xem xét giải quyết trở lại quốc tịch Việt Nam”.
- Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam được giữ quốc tịch nước ngoài nếu việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước đó và không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Việt Nam.
2.2. Hồ sơ xin trở lại quốc tịch
- Điểm d khoản 1 Điều 24 Luật Quốc tịch sửa đổi 2025 đã bỏ yêu cầu phải có Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, chỉ yêu cầu Giấy tờ chứng minh thông tin lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp phù hợp với pháp luật của nước đó đổi với thời gian cá nhân cư trú ở nước ngoài.
- Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài phải có giấy tờ sau:
(i) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp về việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước đó. Trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp loại giấy tờ này thì người đó phải có bản cam đoan về việc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không quy định việc cấp loại giấy tờ này và việc xin giữ quốc tịch nước ngoài là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
(ii) Bản cam kết không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Việt Nam.
2.3. Trình tự, thủ tục xin trở lại quốc tịch
Trong thời hạn không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, CQĐD có trách nhiệm thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam và chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất về việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam về Bộ Tư pháp; đồng thời gửi thông tin về Bộ Ngoại giao để phối hợp (thay vì gửi qua Bộ Ngoại giao như trước đây).
Bộ Công an có trách nhiệm xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam trong 45 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tư pháp; trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài thêm nhưng không quá 60 ngày.
3. Về quốc tịch của trẻ lai
- Khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch được sửa đổi như sau: “Trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu cha mẹ thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con khi thực hiện thủ tục về khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo hướng dẫn của Chính phủ."
- Điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định quy định: “Trường hợp trẻ em đã được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam nếu cha mẹ thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con khi thực hiện ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh và việc giữ quốc tịch nước ngoài phải phù hợp với pháp luật của nước mà trẻ đang mang quốc tịch. Cha mẹ trẻ phải có bản cam đoan về việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước mà trẻ đang mang quốc tịch và chịu trách nhiệm về việc cam đoan này.
4. Về xin thôi quốc tịch
- Tương tự quy định về hồ sơ xin nhập, trở lại quốc tịch, Điều 28 Luật Quốc tịch sửa đổi bỏ yêu cầu phải có Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp trong hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Trong thời gian không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, CQĐD có trách nhiệm thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam và chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất việc xin thôi quốc tịch Việt Nam về Bộ Tư pháp; đồng thời gửi thông tin về Bộ Ngoại giao để phối hợp (thay vì gửi qua Bộ Ngoại giao như trước đây).
Về quốc tịch của con chưa thành niên khi cha mẹ thôi quốc tịch Việt Nam, khoản la Điều 35 Luật Quốc tịch sửa đổi 2025 quy định: “Khi có sự thay đổi về quốc tịch do thôi quốc tịch Việt Nam của cha mẹ thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ, nếu cha mẹ không có yêu cầu khác.
5. Bỏ thủ tục Xác định có quốc tịch Việt Nam; bổ sung các loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam
5.1. Bỏ thủ tục Xác định có quốc tịch Việt Nam
- Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch được sửa đổi như sau: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đề nghị với CQĐD Việt Nam ở nước ngoài để được xác nhận có quốc tịch Việt Nam.”
- Thủ tục xác nhận có quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Điều 29, 30 Nghị định 191/2025/NĐ-CP.
5.2. Bổ sung các loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam
Điều 7 Nghị định (quy định chi tiết Điều 11 Luật Quốc tịch sửa đổi) đã bổ sung 02 loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam là: (i) Trích lục ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài được cấp theo quy định của pháp luật; (ii) Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam.
6. Trách nhiệm của CQĐD
- Tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam.
- Thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin nhập/trở lại thôi quốc tịch Việt Nam, xem xét và đề xuất ý kiến về các trường hợp xin nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam và hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
- Thực hiện việc cập nhật, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc tịch.
- Tiếp nhận, giải quyết theo thẩm quyền các yêu cầu về quốc tịch trên môi trường điện tử phù hợp với mức độ triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quốc tịch.
- Cập nhật thường xuyên pháp luật quốc tịch của nước sở tại để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và giải quyết các việc về quốc tịch theo thẩm quyền; kịp thời thông báo cho Cục Lãnh sự khi pháp luật quốc tịch của nước sở tại có thay đổi.
7. Một số quy định chung về cách thức thụ lý hồ sơ và trả kết quả giải quyết các việc về quốc tịch
- Trường hợp pháp luật quy định giấy tờ phải nộp là bản sao thì người yêu cầu giải quyết các việc về quốc tịch có thể nộp giấy tờ là bản chụp từ bản chính, bản sao được chứng thực từ bản chính; bản sao được cấp từ sổ gốc; bản điện tử các giấy tờ này; giấy tờ được tích hợp, hiển thị trên Ứng dụng định danh điện tử (VNeID). Nếu nộp bản chụp từ bản chính thì phải có bản chính để đối chiếu; người thụ lý hồ sơ kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và ký xác nhận đã đổi chiếu.
- Người thụ lý hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa chính xác theo quy định thì phải hướng dẫn người yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ và nêu rõ lý do theo mẫu Phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ; trường hợp hồ sơ đầy đủ, chính xác theo quy định thì tiếp nhận hồ sơ và ghi vào Sổ thụ lý.
-Hồ sơ xin nhập/trở lại thôi quốc tịch Việt Nam tiếp nhận trước ngày 01/7/2025 thì được giải quyết theo quy định của Luật Quốc tịch sửa đổi 2025.
8. Các tổ chức và các cá nhân quan tâm có thể tham khảo toàn văn Luật Quốc tịch sửa đổi 2025 và Nghị định số 191/2025/NĐ-CP trên cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật (tại trang web vbpl.vn).
Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quốc tịch sửa đổi 2025 và các văn bản pháp luật quy định chi tiết, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị các tổ chức và các cá nhân kịp thời thông báo cho CQĐD để có biện pháp xử lý./.
(Theo LHH người Việt Nam tại CH Séc)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này