Tỉ phú Elon Musk không chỉ hậu thuẫn chính quyền ông Trump trong công cuộc mang nước Mỹ vĩ đại trở lại, mà còn trực tiếp khuấy đảo và thổi bùng cuộc chiến chính trị.
Việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump, với sự hậu thuẫn từ tỉ phú Elon Musk, thực hiện các cuộc thanh trừng trong bộ máy chính phủ gần đây đang gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ giới chính trị và dư luận Mỹ.
Không chỉ nhắm vào những cơ quan như USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ), chiến lược của họ dường như còn hướng tới một mục tiêu lớn hơn: làm tê liệt bộ máy công quyền bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi với tình trạng mất việc hoặc làm việc trong một môi trường không còn sự ổn định.
Nhân tố Elon Musk
Người đàn ông 53 tuổi này dường như không còn đơn thuần chỉ là một tỉ phú công nghệ như trước, khi ông đã trở thành một nhân vật trung tâm trong chiến lược của Tổng thống Trump nhằm tái cấu trúc chính phủ liên bang truyền thống.
Với khối tài sản khổng lồ và sức ảnh hưởng rộng lớn, ông Musk không chỉ hỗ trợ ông chủ Nhà Trắng về mặt tài chính, mà còn đóng vai trò định hình cuộc chiến chính trị này theo cách chưa từng có, tờ báo New Yorker nhận định vào ngày 6-2.
Bằng cách sử dụng các nền tảng mạng xã hội và quyền lực công nghệ, tỉ phú Musk đã góp phần tạo ra một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ nhắm vào các cơ quan liên bang, đặc biệt là USAID.
Bản thân tỉ phú Musk không hề giấu giếm tham vọng của mình. Trên mạng xã hội X, ông khẳng định đã đưa USAID vào "máy nghiền gỗ", tuyên bố ông đang "giải tán chính phủ ngầm cực tả", gọi cơ quan này chẳng khác gì "một tổ chức tội phạm".
Ngoài ra, tỉ phú Musk còn được cho là có ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định nhân sự trong chính quyền Tổng thống Trump.
Những nhân vật có quan điểm cứng rắn như Robert F. Kennedy Jr. (bộ trưởng Y tế), Tulsi Gabbard (giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia DNI) hay Russell Vought (giám đốc Cục Quản lý hành chính và ngân sách Mỹ) đều có những mối liên hệ gián tiếp với vị tỉ phú hoặc tư tưởng chính trị của ông.
Khi được hỏi về các động thái này, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson chỉ đơn giản bác bỏ sự lo ngại của dư luận, gọi đây là "phản ứng thái quá của giới truyền thông".
Người ủng hộ, kẻ chê trách
Sự can thiệp ngày càng sâu rộng của ông Musk vào bộ máy chính quyền Mỹ đã gây ra những phản ứng trái chiều trong dư luận xứ sở cờ hoa.
Một số người ủng hộ cho rằng việc cải tổ bộ máy chính phủ là cần thiết để loại bỏ sự quan liêu và tăng cường hiệu quả hoạt động. Họ tin rằng sự tham gia của một doanh nhân thành đạt như vị tỉ phú có thể mang lại luồng gió mới và hiệu quả hơn cho chính trường Mỹ.
Ngày 7-2, thượng nghị sĩ Joni Ernst của bang Iowa (Mỹ) sau khi chỉ trích những khoản chi tiêu lãng phí của USAID trong thời gian qua, đã dành lời ca ngợi ông Musk và Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE) của ông là một lực lượng cần thiết tại Washington, gọi đây là "cơn bão đang ập đến, quét qua thành phố này và mãi mãi thay đổi cách nó vận hành".
Tuy nhiên, không ít bên lo ngại việc một tỉ phú công nghệ như ông Musk lại đang có ảnh hưởng quá lớn đến chính sách quốc gia như hiện tại, dù không phải là một quan chức được bầu cử.
Câu hỏi về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các quyết định của ông cũng được đặt ra, đặc biệt khi vị tỉ phú hiện tại có quyền truy cập vào nhiều dữ liệu nhạy cảm của chính phủ, làm dấy lên lo ngại về khả năng lạm dụng quyền lực.
Bên cạnh đó, một số nhà phê bình cảnh báo rằng sự tham gia của ông Musk vào bộ máy chính phủ có thể dẫn đến xung đột lợi ích, khi các công ty của ông như Tesla và SpaceX đang hưởng lợi từ nhiều hợp đồng liên bang, theo The Times ngày 6-2.
Họ e ngại rằng thay vì phục vụ lợi ích chung của quốc gia, vị tỉ phú 53 tuổi này có thể tận dụng vị trí của mình để thúc đẩy lợi ích cá nhân.
Nhìn chung, có lẽ thứ mà nước Mỹ đang chứng kiến không chỉ là một cuộc cải cách hành chính, nó còn là một cuộc cách mạng trong bóng tối - một cuộc thanh trừng có thể làm thay đổi hoàn toàn cách vận hành của Chính phủ Mỹ.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này