Dù trong quý đầu năm nay, Thanh tra Thương mại Cộng hòa Séc (ČOI) đã áp mức phạt kỷ lục đối với các chuỗi bán lẻ vì hành vi lừa dối khách hàng, nhưng trong quý II, các mức chế tài đã giảm đáng kể. Tổng số tiền phạt đã giảm từ 21 triệu korun xuống còn 4,4 triệu korun với 12 quyết định có hiệu lực pháp lý. Trong đó, chuỗi Billa bị phạt nặng nhất với hơn 3 triệu korun.

Chiêu cũ, luật mới
Mức phạt giảm mạnh nhất là ở chuỗi Penny Market – trong quý I bị phạt tới 17 triệu korun, nhưng sang quý II chỉ bị một án phạt duy nhất với số tiền 120.000 korun. Hành vi vi phạm phổ biến nhất vẫn là quảng bá giảm giá bằng cách so sánh với mức giá "ảo", không phải là giá thấp nhất trong 30 ngày gần nhất như luật quy định.
Trong khi đó, chuỗi Billa chịu mức phạt cao nhất với 3,17 triệu korun cho bốn vi phạm. Albert bị phạt 630.000 korun, đứng thứ ba là Kaufland với 302.000 korun. Các chuỗi còn lại như Tesco, Globus và Lidl nhận các mức phạt nhỏ hơn.
Theo phát ngôn viên ČOI – ông František Kotrba, phần lớn các mức phạt này là kết quả của những cuộc kiểm tra được thực hiện từ năm ngoái, thậm chí một số từ cuối năm 2023.
Tuy vậy, ông Kotrba cho biết chưa thể khẳng định các chuỗi đã cải thiện thực sự trong việc niêm yết khuyến mãi và giảm giá. “Chúng tôi sẽ chỉ có thể kết luận dựa trên dữ liệu dài hạn. Các cuộc kiểm tra vẫn đang tiếp tục,” ông cho biết.
Danh sách các mức phạt chính thức trong quý II/2025:
- Billa: 4 vi phạm – 3.170.000 Kč
- Albert: 2 vi phạm – 630.000 Kč
- Kaufland: 2 vi phạm – 302.000 Kč
- Penny Market: 1 vi phạm – 120.000 Kč
- Tesco Stores: 1 vi phạm – 80.000 Kč
- Globus: 1 vi phạm – 50.000 Kč
- Lidl: 1 vi phạm – 15.000 Kč
Chiêu trò cải biên
Một ví dụ điển hình từ biên bản của ČOI là sự việc tại cửa hàng Billa ở Sokolov bị kiểm tra vào tháng 11/2023. Sản phẩm súp Vitana được dán giá 34,90 korun kèm thông tin giảm 21% so với giá trước đó là 43,90 korun. Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy trong 30 ngày trước đó, giá thực tế thấp nhất chính là 34,90 korun – nghĩa là không hề có giảm giá thật sự.
Phía Billa thừa nhận một phần phạt liên quan đến thông tin sai lệch trên các bảng giá giấy. “Chúng tôi đã chuyển sang sử dụng nhãn giá điện tử cập nhật tập trung trên toàn hệ thống, nhằm tránh những sai sót này trong tương lai,” phát ngôn viên Dana Bratánková cho biết.

Từ bỏ chiêu trò hai giá
Từ đầu năm 2023, các chuỗi bán lẻ buộc phải ghi rõ mức giá thấp nhất trong 30 ngày gần nhất bên cạnh giá giảm. Một số cửa hàng từng cố tranh luận rằng họ không bắt buộc phải tính phần trăm giảm từ mức giá thấp đó – lập luận sau đó đã bị bác bỏ bởi Tòa án Công lý Liên minh châu Âu.
Kể từ đó, các chuỗi như Penny buộc phải từ bỏ lối niêm yết hai mức giá tham chiếu: một là giá “trước đây” (không rõ thời điểm), hai là giá thấp trong 30 ngày – từ đó tính phần trăm khuyến mãi theo cách thiếu minh bạch.

Người tiêu dùng cần tỉnh táo
Các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng vẫn giữ thái độ cảnh giác. Luật sư Ondřej Zelenka – Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng – nhận định: “Sự chênh lệch rõ rệt trong tiền phạt có thể cho thấy Penny đã điều chỉnh cách niêm yết giá, nhằm tuân thủ luật pháp.”
Ông cho rằng các chuỗi có thể đã học cách lợi dụng khoảng trống pháp lý. Các khái niệm như “giá của chúng tôi” hay “ưu đãi không thể đánh bại” chưa được định nghĩa rõ trong luật – tạo điều kiện cho họ lách quy định mà không vi phạm luật một cách công khai, nhưng vẫn gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
dTest – một trong những tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hàng đầu – cho rằng việc lợi dụng các hình thức như tô đỏ bảng giá hoặc gắn từ “khuyến mãi” khiến nhiều người mua nhầm tưởng rằng sản phẩm đang được giảm giá thực sự, mặc dù giá thực tế không hề thay đổi.
Ông Zelenka khuyên người tiêu dùng hãy cân nhắc kỹ trước khi mua hàng: “Đừng hỏi mình tiết kiệm bao nhiêu, hãy tự hỏi liệu bạn có mua món hàng đó nếu không có khuyến mãi không.”
“Sự giảm giá không phải là món quà, đó là một chiến lược kinh doanh,” ông nói thêm.
(Theo Novinky)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này