Mỹ có thể gửi quân đến Ukraine để bảo vệ các khoáng sản đất hiếm của nước này mà Washington muốn Kiev dùng để hoàn trả khoản viện trợ của Hoa Kỳ.

Donald Trump yêu cầu lượng đất hiếm tương đương 500 tỷ USD từ Ukraine nhằm đổi lấy số tiền mà ông ước tính là hơn 300 tỷ USD Washington đã cung cấp cho Kiev kể từ khi xung đột Nga - Ukraine leo thang vào năm 2022.
Yêu cầu của Tổng thống Trump đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent trình lên nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky tại Kiev vào đầu tuần qua. Theo thỏa thuận được đề xuất, Mỹ sẽ được cấp 50% quyền sở hữu các khoáng sản đất hiếm của Ukraine để hoàn trả cho các khoản viện trợ quân sự của Washington.
Nội dung thỏa thuận này cũng báo hiệu ý định của Washington - triển khai quân đội Mỹ đến các địa điểm này như một lực lượng bảo vệ, nhiều khả năng là sau khi Nga và Ukraine ký một thỏa thuận hòa bình.
Hiện tại, lập trường của Mỹ về việc triển khai quân tới Ukraine vẫn chưa rõ ràng. Phát biểu tại cuộc họp gồm những nước ủng hộ Kiev tại Brussels (Bỉ) vào đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã loại trừ khả năng gửi binh sĩ tới Ukraine. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Wall Street Journal vào ngày 13/2, Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance đã chỉ ra rằng khả năng gửi quân đội tới Ukraine vẫn "trên bàn" nếu Nga từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán thiện chí.
Cho đến nay, lãnh đạo Ukraine Zelensky đã từ chối lời đề nghị của Mỹ về việc nắm quyền sở hữu 50% khoáng sản đất hiếm của Kiev. Phát biểu với các phóng viên bên lề Hội nghị An ninh Munich vào ngày 15/2, ông Zelensky cho biết đề xuất của Mỹ cho đến nay vẫn thiếu sự bảo đảm an ninh cho Kiev và không vì lợi ích của đất nước Ukraine có chủ quyền.
"Đối với tôi, điều rất quan trọng là phải có mối liên hệ giữa một số loại bảo đảm an ninh và một số loại đầu tư. Nếu chúng ta muốn ký một điều gì đó, chúng ta phải hiểu rằng nó sẽ hiệu quả và sẽ rất tích cực cho cả hai quốc gia" - ông Zelensky tuyên bố.
Lãnh đạo Ukraine cho biết tài liệu mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ trình lên sẽ cần phải được sửa đổi để phản ánh lợi ích của Ukraine, lưu ý rằng ông muốn có quan hệ đối tác cùng có lợi với Mỹ thay vì chỉ đơn giản là trao đi tài nguyên thiên nhiên của đất nước mình.
Theo Viện Địa chất Ukraine, các mỏ của nước này chứa lanthanum, xeri, neodymium, erbi và yttri - các nguyên tố được coi là đất hiếm. Tuy nhiên, ông Zelensky gần đây thừa nhận rằng một phần lớn (khoảng 20%) lãnh thổ giàu khoáng sản của Ukraine hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
(Nguồn: VTV)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này