Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm 16/2 cho biết châu Âu và Ukraine sẽ là một phần của bất kỳ cuộc đàm phán thực sự nào nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine.

"Cuối cùng, mọi chuyện sẽ đi đến một điểm nào đó. Nếu điều đó xảy ra, Ukraine sẽ phải tham gia vì họ là một bên can hệ trực tiếp. Châu Âu cũng sẽ phải tham gia vì họ đã áp lệnh trừng phạt đối với Nga" - ông Rubio cho biết ngụ ý rằng các cuộc đàm phán Mỹ - Nga trong tuần qua là cơ hội để đánh giá mức độ nghiêm túc của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với việc tìm kiếm hòa bình.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng trấn an châu Âu về lo ngại bị gạt ra ngoài trong giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ, dự kiến diễn ra tại Saudi Arabia trong những ngày tới. Trong cuộc phỏng vấn với CBS, ông Rubio nhấn mạnh rằng quá trình đàm phán vẫn chưa chính thức bắt đầu và nếu tiến triển, Ukraine cùng các quốc gia châu Âu khác chắc chắn sẽ tham gia.
Cuối tuần trước, các quan chức Mỹ đã gửi một bảng câu hỏi tới những đối tác châu Âu, trong đó đề cập đến khả năng triển khai quân để thực thi thỏa thuận hòa bình Nga - Ukraine.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga đã có cuộc điện đàm và bày tỏ sự quan tâm chung đối với hòa bình. Tuy nhiên, một cuộc điện đàm không thể tạo ra hòa bình, cần phải có những hành động thiết thực tiếp theo.
Khi được hỏi liệu ông có đề cập đến khả năng dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào tuần trước hay không, ông Rubio từ chối xác nhận, chỉ nói rằng hai bên không đi vào bất kỳ chi tiết nào. Sau cuộc gọi, Moscow tuyên bố hai bên đã thảo luận về việc loại bỏ những rào cản đơn phương do chính quyền Mỹ trước đây áp đặt lên quan hệ với Nga.
Ông Rubio xác nhận đã đề cập với ông Lavrov về những điều kiện hoạt động khó khăn của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow. Ông nhấn mạnh rằng nếu Nga và Mỹ muốn đạt tiến triển trong việc lập lại hòa bình ở Ukraine, cả hai nước cần đảm bảo đại sứ quán của mình hoạt động bình thường trên lãnh thổ đối phương.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Ukraine - ông Keith Kellogg - trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng châu Âu sẽ "không có ghế" tại bàn đàm phán về tình hình Ukraine.
Dự kiến, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ chủ trì một cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Âu trong ngày 17/2 để thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine và an ninh châu Âu.
(Nguồn: VTV)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này