Mỗi đêm, Rosa Angelina cố rao lớn át tiếng ồn ào trong khu chợ ở Penang để mời khách đến tiệm mì xào của mình.
Người phụ nữ 32 tuổi thạo tiếng Malaysia, tiếng Anh và tiếng Hoa, làm phục vụ đã được 9 năm. Mỗi tháng cô kiếm được hơn 440 USD, gấp ba lần thu nhập của những nữ phục vụ ở quê nhà, tỉnh Sumatra (Indonesia).
Nhưng cô vẫn chật vật.
Rosa dành nửa tiền lương gửi về quê nhà, phần còn lại chỉ đủ để mua thức ăn, đi lại và thuê căn phòng 18 m2 ở chung với một đồng hương. Trước đây, Rosa có thể thuê ở trung tâm Penang nhưng giờ chỉ dám ở trọ vùng ngoại ô.
"Mọi thứ đều đắt đỏ", cô nói. "Dù có được tăng lương, tôi vẫn đang vật lộn để sống.
Kyaw, lao động nhập cư người Myanmar, chỉ được nghỉ một ngày trong tháng. Anh không có giấy tờ hợp pháp và làm tạp vụ ở quán cơm thuộc trung tâm Kuala Lumpur.
Kyaw được chủ bao cơm nên có thể dành nửa thu nhập để thuê nhà, thắt lưng buộc bụng để gửi về nhà. Năm 2017, chàng trai quê Yangon từng là lao động hợp pháp nhưng đã quá hạn visa. Anh trốn ở lại, chấp nhận rủi ro vào tù hoặc trục xuất.
"Tôi không có lựa chọn khác", anh nói. "Tôi làm việc chỉ vì gia đình, ở quê tôi không có công việc.
Dòng lao động di cư Đông Nam Á, gồm hàng triệu người Indonesia, Philippines và Myanmar, vẫn đang tìm công việc ở nước ngoài với hy vọng có cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình.
Họ có thể kiếm được thu nhập gấp ba đến năm lần mức lương ở quê nhà. Tuy nhiên, trong vài năm qua, tiền lương của họ đã không đuổi kịp vật giá.
Ở Hong Kong, mức lương tối thiểu đã từ 4 USD mỗi giờ vào năm 2013 lên 5,12 USD, tăng khoảng 33%. Tuy nhiên, giá thực phẩm luôn tăng 2,5-3% mỗi năm.
Ở UAE, các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, khu vực thu hút lao động Đông Nam Á, giữ mức lương tối thiểu 408 USD mỗi tháng cho người không có kỹ năng. Mức này tăng 36% so với năm 2013 nhưng giá thực phẩm tăng 3-7% và tiền thuê nhà tăng 5-10% mỗi năm.
Trong khi đó, Malaysia đã tăng mức lương tối thiểu 198 USD lên 337 USD trong 11 năm. Chính phủ đang đề xuất mức 374 có hiệu lực từ tháng 2. Nhưng trong thập kỷ qua, giá thuê đã tăng gấp đôi và thực phẩm tăng trung bình 3% mỗi năm.
Chi phí sinh hoạt càng gây khó khăn cho người lao động không giấy tờ. Họ phải chấp nhận mức lương thấp hơn nhiều so mặt bằng chung.
"Tôi phải ăn mì gói nhiều tháng liền hoặc cố nhịn đói", Ari Yulianto, người đàn ông Indonesia, 40 tuổi, nói. Ông làm tạp vụ ở Malaysia từ năm 2002 đến 2020.
Ari qua 7 đời chủ, trong đó có một người chỉ trả anh 5 USD mỗi ngày với công việc phụ hồ thay vì mức 22 USD như lao động khác. Khi Ari đi hái cọ thuê, họ nợ lương anh ba tháng nhưng anh không thể báo chính quyền can thiệp.
Anh cố gắng giấu vợ và các con ở quê nhà về khó khăn của mình. Anh không bao giờ đăng ảnh lên mạng xã hội về ký túc xá dột nát, nơi anh sống cùng 5 đồng hương khác. Thay vào đó, Ari đăng ảnh bãi biển ở nơi mình sống.
"Tôi không muốn gia đình phải lo lắng", anh nói.
Ari không là trường hợp hiếm. Tổ chức bảo vệ người lao động di cư Migrante Philippines, trụ sở Manila (Philippines), cho biết các gia đình thường không biết gì về hoàn cảnh khó khăn mà lao động di cư đang đối mặt.
"Họ phải làm việc nhiều giờ và đang vật lộn để kiếm sống", ông Rimas, người đại diện Migrante Philippines, nói.
Dữ liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy 169 triệu lao động di cư trên toàn cầu. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, vào năm 2022, những lao động này đã gửi về nhà 794 tỷ USD.
Rimas nói sự hy sinh của lao động nhập cư là để gia đình chi tiêu. Họ mong số tiền gửi về được sử dụng tiết kiệm, đúng cách như mở cơ sở làm ăn hoặc cho con cái đi học.
Tuy nhiên, nhiều gia đình lại chi tiền vào những kỳ nghỉ xa hoa, mua ôtô. "Khi những lao động trở về, họ bị sốc do không còn tiền trong ngân hàng", ông nói. "Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc di cư một lần nữa".
Nguồn: Vnexpress
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này