Chính phủ Đức có thể cam kết điều động quân đội tham gia nhiệm vụ của NATO được đề xuất tại Greenland, theo các nguồn tin được báo Der Spiegel trích dẫn hôm 4/2.
![06022025--uc-san-sang-trien-khai-quan-toi-greenland-74093828132518699243480-09467864105970624162806.webp](https://d300nzfp1n1jsy.cloudfront.net/06022025_uc_san_sang_trien_khai_quan_toi_greenland_74093828132518699243480_09467864105970624162806_91b7e29450.webp)
Đan Mạch thay đổi quốc huy khi ông Trump “để mắt” đến Greenland
Sáng kiến triển khai binh sĩ tới Greenland của các thành viên NATO châu Âu nhằm mục đích giảm bớt căng thẳng do ý định của Tổng thống Donald Trump thúc đẩy chủ quyền của Mỹ đối với hòn đảo thuộc Đan Mạch này.
Tổng thống Trump đã coi nỗ lực kiểm soát Greenland là một vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ, tuyên bố rằng Washington có thể sử dụng hòn đảo này để củng cố ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Bắc Cực trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng với Nga và Trung Quốc. Greenland giàu khoáng sản thô, có thể trở nên dễ tiếp cận hơn do biến đổi khí hậu. Ông Trump không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực quân sự và cưỡng chế kinh tế đối với Đan Mạch - một đồng minh NATO.
Vào ngày 3/2, các lãnh đạo EU và Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đã thảo luận về việc tăng cường sự hiện diện của NATO tại Greenland nhằm nỗ lực giảm bớt áp lực từ Tổng thống Trump. Trước công chúng, Tổng Thư ký NATO Rutte đã nhấn mạnh cam kết của tổ chức này trong việc cùng nhau giải quyết các thách thức địa chính trị.
Bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann - Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức - bày tỏ sự ủng hộ đối với việc triển khai quân đội tới Đan Mạch, cho rằng việc này sẽ báo hiệu với Mỹ rằng nước này không thể tuyên bố quyền độc quyền đối với Greenland.
Ngược lại, Nghị sĩ châu Âu người Đức Hannah Neumann chỉ trích đề xuất này.
Đan Mạch không có ý định từ bỏ chủ quyền đối với Greenland. Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy chỉ có 6% cư dân của hòn đảo này ủng hộ việc gia nhập Mỹ. Trước bối cảnh căng thẳng leo thang, Chính phủ Đan Mạch đã công bố các sáng kiến nhằm thúc đẩy bản sắc Greenland và có kế hoạch cấm các khoản quyên góp chính trị của nước ngoài liên quan đến hòn đảo này.
Nga không bày tỏ sự ủng hộ đối với bất kỳ bên nào trong cuộc tranh luận về chủ quyền Greenland, chỉ nói rằng cư dân Greenland nên có tiếng nói cuối cùng về số phận của họ. Tuy nhiên, giới chức Nga đã bày tỏ lo ngại về những tác động đối với an ninh quốc gia của Moscow.
Đại sứ Nga tại Đan Mạch - ông Vladimir Barbin - đã lưu ý trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng theo hiệp ước năm 1951 với Đan Mạch, Mỹ được hưởng quyền tiếp cận quân sự không hạn chế tới Greenland. Ông cảnh báo rằng việc quân sự hóa gia tăng ở Bắc Cực và thái độ đối đầu của NATO làm suy yếu sự ổn định của khu vực, khiến các nhà chiến lược quân sự Nga phải điều chỉnh kế hoạch của họ cho phù hợp.
Mỹ đã duy trì sự hiện diện quân sự tại Greenland kể từ năm 1941, khi Đan Mạch bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Sau khi Đan Mạch gia nhập NATO vào năm 1949, Copenhagen đã ngừng các nỗ lực rút quân đội Mỹ khỏi hòn đảo này. Hiện tại, Mỹ đang vận hành Căn cứ Không gian Pituffik tại Greenland.
(Nguồn: VTV)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này