Theo báo Aero Telegraph (Thụy Sĩ), Liên minh châu Âu (EU) đã đóng không phận với hãng hàng không Southwind Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ vì nghi có quan hệ với Nga.
Theo tờ báo Thụy Sĩ, biện pháp trên được đưa ra nhằm tuân thủ các lệnh trừng phạt đối với Nga về xung đột Ukraine.
Hãng hàng không Southwind Airlines có trụ sở tại Antalya, được thành lập vào năm 2022 với dịch vụ vận chuyển hành khách từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ nhưng gần đây đã đề nghị được phép vận hành các chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức, Hy Lạp, Phần Lan và nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu khác.
Song, ngày 25/3, Cơ quan Giao thông và Liên lạc Phần Lan đã ra lệnh cấm hãng bay này sử dụng không phận của Phần Lan vì kết quả điều tra cho thấy quyền kiểm soát, sở hữu đáng kể hãng hàng không này thuộc về một nhiều cá nhân/tổ chức ở Nga, do đó, không thể cho phép hãng hoạt động ở quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.
Theo báo Aero Telegraph, ngày 28/3, Brussels đã thông tin tới các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu về việc hãng Southwind Airlines là đối tượng nằm trong lệnh cấm cất cánh, bay qua và hạ cánh theo quy định trong gói trừng phạt đối với Nga, do đó, cần cấm hãng hàng không này hoạt động trong không phận Liên minh châu Âu. Quy định trên có hiệu lực ngay lập tức.
Sau đó, Hiệp hội các nhà điều hành tour du lịch Nga (ATOR) đã phải hủy các chuyến bay của Southwind từ Antalya tới Kaliningrad vì các chuyến bay trước đó đã đi qua không phận EU.
Nghi vấn "vỏ Thổ Nhĩ Kỳ, ruột Nga"
Những nghi vấn về hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên rộ lên là từ bài báo của báo Đức Bild vào cuối tháng 12/2023. Theo bài viết, Southwind do công dân Nga thành lập và đã thuê lại phần lớn nhân viên cùng phi đội máy bay từ hãng Nordwind Airlines – một hãng bay của Nga bị cấm hoạt động ở EU.
Song, ông Safa Oruc – người đứng đầu về an toàn hàng không của Southwind – khẳng định hãng này thuộc sở hữu của công dân Thổ Nhĩ Kỳ, cả hãng bay và máy bay của Southwind đều đăng ký tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, vì cuộc xung đột của Nga tại Ukraine từ tháng 2/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã đóng cửa không phận đối với máy bay và các hãng hàng không Nga để trừng phạt Nga. Mỹ, Canada, Anh và Australia cũng đưa ra các biện pháp tương tự. Đáp lại, Nga đã áp lệnh cấm tương tự đối với các hãng hàng không từ các quốc gia đó.
Tiếp tục trừng phạt mạnh hơn, tháng 2 này, EU và Mỹ đã đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt khác chống lại Nga nhằm vào nhiều thực thể ở một số quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng cộng 16 công ty của quốc gia này đã bị trừng phạt vì bị cáo buộc tạo điều kiện cho hoạt động vận chuyển hàng hóa lưỡng dụng và nghi quân đội Nga có thể sử dụng. Washington cũng cảnh báo Ankara rằng các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều công ty khác có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt thứ cấp vì làm ăn với các thực thể Nga.
(Nguồn: Giaothong)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này