Kể từ cuối năm 2019, mức lương danh nghĩa tại Séc đã tăng 27%, nhưng do lạm phát cao, mức lương thực tế đã giảm 10%. Đây là mức suy giảm mạnh nhất trong toàn bộ Liên minh châu Âu.
Theo phân tích được chuyên gia kinh tế Pavel Peterka của XTB công bố hôm nay, lương thực tế trong năm nay dự kiến sẽ tăng từ 3,5% đến 4,5%, nhưng vẫn chưa thể quay lại mức trước đại dịch.
Lương thực tế vẫn chưa quay trở lại mức như trước đại dịch ở 11 quốc gia EU, trong đó Séc chịu mức giảm mạnh nhất với 9%. Ở vị trí thứ hai các quốc gia có mức giảm lương thực tế nhiều nhất là Italia khi giảm 5% so với năm 2019, mức giảm trong khu vực đồng euro là 1%. Trong khi đó Bulgaria là nước có mức tăng lương thực tế cao nhất, khi lương thực tế đã tăng 36% kể từ năm 2019.
Lương thực tế ở Séc giảm mạnh chủ yếu do lạm phát tích lũy cao so với các quốc gia EU. Kể từ cuối năm 2019, giá tiêu dùng tại Séc đã tăng 41%, trong khi mức tăng cao hơn chỉ được ghi nhận ở Ba Lan với lạm phát tích lũy 42% và Hungary với 52%. Tuy nhiên, ở cả hai quốc gia này, mức tăng lương danh nghĩa nhanh hơn so với Séc.
Theo phân tích, một trong những rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng tiền lương ở Séc là năng suất lao động thấp, đặc biệt trong các lĩnh vực như xây dựng hay nông nghiệp. Thị trường lao động Séc cũng gặp khó khăn do người lao động ít sẵn sàng di chuyển để tìm việc hoặc thay đổi công việc.
Ông Peterka lưu ý rằng, trên thực tế, việc tăng lương thường dễ dàng đạt được hơn khi chuyển đổi công việc thay vì đàm phán với chủ lao động hiện tại. Ông cũng cho biết, trước đây tăng trưởng tiền lương bị kìm hãm bởi sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng, khiến các công ty thận trọng hơn trong việc tăng lương, nhưng tình hình này sẽ thay đổi khi nền kinh tế phục hồi.
Trong năm nay, phân tích dự báo lương danh nghĩa sẽ tăng từ 6 đến 7%, trong khi lương thực tế sẽ tăng từ 3,5 đến 4,5%. Mức tăng lương lớn nhất dự kiến sẽ diễn ra trong ngành công nghiệp chế tạo, y tế và các lĩnh vực chuyên môn cao, nơi các nhà tuyển dụng buộc phải đưa ra mức lương hấp dẫn hơn để giữ chân lao động có trình độ. Lương thực tế được kỳ vọng sẽ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2026. Tuy nhiên, ông Peterka cảnh báo rằng sự trì trệ kinh tế của các đối tác thương mại chính, đặc biệt là Đức, hoặc nguy cơ chiến tranh thương mại có thể gây rủi ro cho tăng trưởng tiền lương.
Nguồn: ČTK
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này