Tại Séc, khoảng 15% nước uống thất thoát do hạ tầng bị hư hỏng. Việc rò rỉ và sửa chữa hệ thống cấp nước cũng ảnh hưởng đến giá nước. Theo các chuyên gia, nguy hiểm nhất là những rò rỉ ngầm – nơi không có dấu hiệu hư hại rõ ràng trên bề mặt nhưng nước vẫn âm thầm thất thoát trong thời gian dài.
Công ty Cấp thoát nước Praha phát hiện khoảng 350 vụ rò rỉ ngầm mỗi năm, tức trung bình gần một vụ mỗi ngày. Những rò rỉ này nguy hiểm hơn vì nước thất thoát âm thầm suốt thời gian dài mà không ai để ý.
Vị trí chính xác của chỗ rò rỉ được xác định bằng thiết bị khuếch đại điện âm đặt dưới mặt đất. Nhờ những công nghệ như vậy, việc hạn chế thất thoát nước đã đạt được những kết quả tích cực. Trong khi vào năm 1996 tỉ lệ nước rò rỉ lên tới 43%, thì năm ngoái chỉ còn khoảng 15%.
Không chỉ có hệ thống ống nước công cộng tại các thành phố bị rò rỉ, mà cả nước sinh hoạt trong chính căn hộ cũng bị thất thoát. Chỉ một chiếc vòi nhỏ giọt nhẹ có thể làm mất tới 24 lít nước mỗi ngày, và một hộ gia đình ở Praha có thể phải trả thêm khoảng 1.300 korun mỗi năm.
Nếu vòi rò rỉ mạnh hơn, khoản tiền phải trả hàng năm có thể lên tới 3.000 korun. Đối với bồn cầu, tổn thất thậm chí còn cao hơn – khoảng 55.000 korun mỗi năm, và trong trường hợp nghiêm trọng có thể lên đến 110.000 korun. Tại các căn hộ cũ, tình hình càng tệ hơn vì có thể có những hư hỏng không dễ nhận thấy, chẳng hạn như ống nước bị rò rỉ âm thầm trong tường.
Giá nước và phí thoát nước tại Séc đã tăng trong những tháng gần đây. Vào tháng 2, người dân phải trả cao hơn khoảng 4 % so với cùng kỳ năm trước.
Về mức độ tiêu thụ, người Séc được coi là tiết kiệm so với các quốc gia châu Âu khác: trung bình mỗi người dùng chưa đến 87 lít nước mỗi ngày. Để so sánh, ở các nước Nam Âu, con số này cao gấp hai đến ba lần.
Nguồn: ČT24
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này