Không nắm rõ quy định pháp luật, nghe theo những lời mời gọi hấp dẫn từ những môi giới hay tự quyết định đi làm thêm còn dẫn đến nhiều hệ lụy cho không ít du học sinh tại Séc hiện nay.
Cộng hòa Séc là một trong những quốc gia có nền giáo dục lâu đời nhất Châu Âu, cũng là quốc gia đầu tiên tại Trung Âu có trường Đại học. Chính vì vậy, nền giáo dục Séc rất phát triển, và giàu kinh nghiệm đào tạo sinh viên quốc tế. Bên cạnh chương trình đào tạo ấn tượng, giáo dục Cộng hòa Séc còn nổi bật với chính sách miễn phí học phí hoàn toàn cho du học sinh theo học hệ tiếng Séc, bất kể cấp học. Chính phủ Séc cũng hỗ trợ chi phí sinh hoạt, bao gồm tiền ăn ở và đi lại cho sinh viên quốc tế. Một số trường đại học danh tiếng của Séc có thể kể đến như Đại học Charles tại Prague; Đại học kinh tế Prague; Đại học New York tại Prague; Đại học Công nghệ Ostrava; Đại học Masaryk.
Với hệ thống giáo dục chất lượng tại Séc, sinh viên sau tốt nghiệp còn được cấp bằng đúng chuẩn theo hệ thống Châu Âu. Với tấm bằng này, các sinh viên được đánh giá cao khi đi xin việc và dễ dàng xin làm ở nhiều quốc gia như Đức, Áo, Thụy Sĩ… Đặc biệt hơn nữa, cộng đồng người Việt tại Séc rất đông đảo. Người Việt ở Séc đã được công nhận là một dân tộc thiểu số tại quốc gia này. Do những lợi thế đó, CH Séc hàng năm thu hút đông đảo du học sinh quốc tế đến học tập và nghiên cứu. Trong đó theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện có tới 500 có du học sinh Việt Nam đang học tập tại CH Séc. Tuy vẫn áp dụng thủ tục chứng minh tài chính, nhưng du học Séc được đánh giá là khá dễ dàng về vấn đề chi phí với những ưu đãi, chính sách rộng mở, và cho phép du học sinh đi làm thêm.
Tuy nhiên Tất cả du học sinh đều bắt buộc phải học 1 năm tiếng Séc trong năm đầu dự bị tại nước bản địa và tại Séc trước khi chính thức nhập học vào các trường. Điều kiện này nhằm đảm bảo bạn có khả năng sinh sống, hòa nhập với môi trường nơi đây. Nhưng không phải cứ là du học sinh thì được đi làm thêm và không phải cứ bước chân sang CH Séc là được vừa đi học vừa đi làm. Thời gian qua, Séc đã tăng cường kiểm tra giám sát những du học sinh ngoại quốc đi làm thêm bất hợp pháp và đã có rất nhiều du học sinh đã phải nhận những hình phạt vô cùng nghiêm khắc, thậm chí là trục xuất khỏi CH Séc. Không chỉ là vấn đề của các du học sinh không nắm rõ quy định, mà chính những người chủ muốn tận dụng thời gian rảnh của sinh viên, du học sinh để tuyển partime cũng phải vô cùng tỉnh táo khi nhận lao động làm việc là những du học sinh.
Không nắm rõ quy định pháp luật, nghe theo những lời mời gọi hấp dẫn từ những môi giới hay tự quyết định đi làm thêm còn dẫn đến nhiều hệ lụy cho không ít du học sinh tại Séc hiện nay. Và chính những người chủ lao động nếu không nắm rõ tình hình pháp luật hiện hành và nhận lao động là du học sinh mà không kiểm tra kĩ lưỡng cũng nhận những hình phạt tài chính vô cùng lớn. Vậy những trường hợp du học sinh nào được đi làm thêm hay không đi làm thêm? Những hình phạt nào có thể phải nhận nếu trở thành lao động bất hợp pháp và sử dụng lao động bất hợp pháp tại Séc. Hãy cũng TamdaMedia gặp gỡ và trò chuyện cùng Bà Pavla Rozumková - Trưởng phòng tư vấn pháp luật - Trung tâm hội nhập Praha - IC Praha để hiểu rõ hơn về quy định liên quan đến du học sinh với việc đi làm thêm hiện nay tại CH Séc.
Xin chào Pavla Rozumková - Câu hỏi đầu tiên dành cho bà đó là: Bà có thể cho biết lượng du học sinh tại Séc hiện nay khoảng bao nhiêu không ạ, và đặc biệt là các du học sinh Việt Nam?
Nếu chúng ta nói về những sinh viên đang học đại học, thì theo số liệu năm 2022 thì có 305 ngàn sinh viên đang theo học đại học, trong đó có khoảng 55 ngàn là sinh viên nước ngoài, cũng theo đó có 10% học sinh cấp 1, cấp 3, trung học tiểu học là người Việt Nam và đối với các trường đại học thì có khoảng 500 sinh viên đến từ Việt Nam. Nhưng chúng tôi cho rằng con số thực tế sẽ cao hơn nữa, bởi số liệu thống kê không bao gồm những sinh viên có hai quốc tịch là Việt Nam và Séc hay các nước khác. Vì thế chúng tôi cho rằng số lượng sinh viên đại học đến từ Việt Nam sẽ còn cao hơn con số thống kê.
Là 1 trung tâm tư vấn thì những sinh viên ngoại quốc sẽ đến đây để cần tư vấn về những vấn đề gì thưa bà?
Các sinh viên thường đến gặp chúng tôi về những vấn đề liên quan đến cư trú. Họ có thể gặp bộ phận pháp lý để tư vấn làm sao để gia hạn cư trú tại Séc. Chẳng hạn như trong trường hợp chính bản thân họ biết sẽ không thể tiếp tục học tập hay họ vừa mới tốt nghiệp và họ tìm kiếm các cách thức để có thể được ở lại Séc. Hoặc có thể họ đến nhờ tư vấn xem có được phép đi làm hay không? Và họ có đang thực hiện đúng theo quy định pháp luật hay không?
Thưa bà, xin bà cho biết những quyền lợi và trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của 1 du học sinh ngoại quốc tại CH Séc hiện nay theo luật hiện hành?
Điều này còn phụ thuộc vào hình thức cư trú của mỗi sinh viên. Trong trường hợp sinh viên nước ngoài có vĩnh trú thì những nghĩa vụ của họ sẽ đơn giản hơn. Trong trường hợp du học sinh có cư trú ngắn hạn (Dlouhodobý pobyt), thì cần phải nhận biết rõ ràng họ được cung cấp cư trú này dưới dạng mục đích gì? Nếu là mục đích cư trú là học tập, nghiên cứu thì trách nhiệm đầu tiên của du học sinh này phải học tập, phải đi học và thực hiện hết những nghĩa vụ liên quan đến quá trình học tập. Một vấn đề nữa cần phải phân biệt được trong trường hợp du học sinh đó thay đổi trường học, ngành học thì cũng sẽ có gây ra ảnh hưởng về mục đích cư trú của người đó. Phải suy nghĩ thật kĩ trước khi thay đổi bất cứ điều gì để xem nó có ảnh hưởng đến giấy tờ cư trú của mình hay không? Nên đi tư vấn trước khi quyết định làm một điều gì đó. Ngoài ra còn có trách nhiệm khác trong số rất nhiều trách nhiệm theo quy định pháp luật cư trú của người nước ngoài. Theo đó người ngoại quốc phải thông báo mọi thay đổi liên quan đến địa chỉ cư trú. Hay nếu nhận được hộ chiếu mới cũng phải thông báo lại cho Bộ Nội vụ.
Thời gian gần đây, có rất nhiều trường hợp du học sinh bị phát hiện đi làm thêm không đúng quy định, vậy theo luật pháp của Séc thì trong cả hai trường hợp học sinh, sinh viên tại Séc hay du học sinh quốc tế có thực sự được đi làm thêm không?
Để có thể kết hợp giữa học tập và làm việc thì là một vấn đề không đơn giản. Không phải tất cả du học sinh đang sinh sống tại Séc có đủ điều kiện bước vào thị trường lao động mà có giấy tờ hợp lệ, chỉ có một số trường hợp có quyền lợi này. Chẳng hạn như 1 du học sinh mà theo học trực tiếp tại một trường Đại học, theo hình thức tín chỉ thì du học sinh này có quyền tham gia lao động. Tuy nhiên, quyền lợi này sẽ gắn liền với việc học tập của du học sinh đó. Trong trường hợp du học sinh đó thôi học ngay cả khi visa cư trú vẫn còn hạn thì việc đi làm là không được phép. Đây là điểm quan trọng cần phải lưu tâm. Một ví dụ trường hợp khác, những du học sinh đang học các khóa dự bị, khóa tiếng để chuẩn bị vào học chính thức. Thì những trường hợp này họ không được phép, không có quyền đi làm. Trong những trường hợp này họ nên tìm kiếm những người hiểu biết, có chuyên môn về cư trú để tư vấn. Những chuyên gia tư vấn sẽ xem xét từng trường hợp có được phép đi làm hay không. Chúng ta không thể nào nói chung chung theo từng loại hình cư trú. Bởi vì quyền được đi làm còn gắn liền với những điều kiện khác như du học sinh đó từng hoàn thành học tập tại Séc rồi. Những điều này sẽ ảnh hưởng đến việc du học sinh đó có được phép đi làm hay không.
Theo như bà nói thì chẳng hạn tôi là một sinh viên nước ngoài tôi đang học khóa dự bị tiếng của 1 trường đại học thì khi tôi thực sự trở thành sinh viên chính thức của trường thì tôi mới được phép nghĩ đến chuyện làm thêm đúng không?
Đúng rồi, tôi có thể có visa cư trú với mục đích là học tập, tôi đã đăng kí vào trường đại học nhưng hiện tại vẫn đang học khóa dự bị thì đây chính là trường hợp du học sinh đó không được phép đi làm. Du học sinh đó phải đợi chính thức nhập học năm đầu tiên và học chính thức tại trường thì mới suy tính đến việc đi làm thêm hay không.
Bà cho biết lí do phân chia du học sinh thành các trường hợp khác nhau. Tại sao có những trường hợp được đi làm và không được đi làm thêm?
Điều này liên quan rất nhiều đến việc nhà nước muốn kiểm soát đối với những người nước ngoài sinh sống tại Séc họ làm những gì. Quyền lợi được đi làm đối với một số du học sinh có thể được coi là sự đãi ngộ của nhà nước cũng như được ghi chép trong luật của EU. Từ đó chúng ta có nhóm sinh viên dự bị, học khóa tiếng, thì những người này họ phải tuân thủ quy định không được phép tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên những du học sinh được phép đi làm thì họ cũng không phải không bị kiểm soát. Mặc dù họ không phải xin bất cứ giấy phép nào để được đi làm. Nhưng các chủ sở hữu lao động phải có trách nhiệm thông báo lên các cơ quan có thẩm quyền. Điều này cho thấy trong tất cả trường hợp đều có những kiểm soát nhất định.
Nếu du học sinh sinh viên đó không được phép đi làm thêm và bị kiểm tra phát hiện trong quá trình đang làm thêm thì sẽ phải chịu những hình phạt nào thưa bà và hình phạt nặng nhất là gì?
Đây là những vấn đề phức tạp, nếu một ai đó làm việc mà không có giấy phép hợp lệ, không có hợp đồng lao động, thì có thể nói là lao động bất hợp pháp. Năm nay Séc cũng có thay đổi về khái niệm lao động bất hợp pháp. Về tương tai chúng ta có thể dự đoán rằng những trường hợp lao động bất hợp pháp được phát hiện ngày càng nhiều. Hình phạt đối với người lao động nước ngoài bất hợp pháp và chủ sở hữu lao động rất nghiêm khắc. Mức phạt đối với những chủ sở hữu lao động, người thuê lao động bất hợp pháp có thể đối mặt mức phạt tiền lên đến 10 triệu Korun. Và ngoài ra còn liên quan đến việc chủ sở hữu lao động bất hợp pháp đã vi phạm pháp luật có thể bị phạt tù. Đối với du học sinh nước ngoài mà lao động bất hợp pháp thì hình phạt dành cho họ liên quan đến vấn đề cư trú. Sẽ rất khó để họ gia hạn cư trú và có thể sẽ bị hủy giấy tờ cư trú và đối với một số trường hợp có thể bị trục xuất khỏi Séc. Một vấn đề khác mà một số người lao động bất hợp pháp không nghĩ đến đó là liên quan đến tai nạn lao động, những người này họ không có bảo hiểm y tế đối với người lao động bình thường.
Có trường hợp nào mà du học sinh có thẻ cư trú ghi trên đó là ANO - được phép tham gia thị trường lao động, nhưng vẫn bị phạt khi bị phát hiện đi làm thêm không thưa bà?
Đây là trường hợp mà người ngoại quốc có visa ngắn hạn. Trên thẻ cư trú có ghi thông tin được phép đi làm. Chúng ta có thể coi đây là 1 điểm để phân biệt những du học sinh nào được phép đi làm hay không. Nhưng như tôi đã nói trước đó, người này vẫn cần phải nhận tư vấn thêm. Trường hợp này, người thuê lao động vẫn cần phải kiểm tra xem du học sinh này có còn thực sự đi học hay không. Bởi nếu họ đã bỏ học thì việc nhận lao động là bất hợp pháp. Bởi vì quyền lợi được tham gia thị trường lao động gắn liền với việc du học đó vẫn tiếp tục theo học. Và có thể xảy ra trường hợp bị phạt như bạn vừa nhắc đến. Vì mục đích đi học họ đã không đảm bảo, họ không làm đúng nghĩa vụ thì không có quyền lợi được đi làm thêm. Và trong trường hợp này đương nhiên sẽ bị phạt.
Bà có thể có những lời khuyên dành cho các du học sinh vừa muốn đi học vừa muốn đi làm thêm. Và trong trường hợp cần tư vấn họ nên đến những địa chỉ nào?
Điều đầu tiên tôi muốn khuyên các bạn du học sinh không nên nghe theo những lời chỉ dẫn của người quen, các bạn học của mình về việc đi làm thêm mà chưa rõ ràng. Bởi trường hợp của mỗi du học sinh không giống nhau. Không nên nghe theo những người môi giới, bởi họ chỉ làm việc để nhận tiền. Bởi họ có thể đưa ra cho bạn những lời khuyên không phù hợp với trường hợp của bạn. Trước tiên, du học sinh luôn phải nghĩ đến mục đích cư trú mà nhà nước Séc cấp cho bạn là gì. Và nếu như du học sinh đó muốn đi làm thêm hãy hỏi và nhờ tư vấn trước. Có rất nhiều trung tâm tư vấn mà các du học sinh cần biết như Trung tâm Hội nhập Praha hay các trung tâm tư vấn miễn phí khác, họ rất nhiệt tình và chuyên nghiệp. Tôi khuyến cáo các bạn rằng hãy tìm đến những trung tâm này và đừng ngại khi bạn không biết tiếng Séc. Bởi các trung tâm này đều luôn có người phiên dịch như tiếng Việt chẳng hạn. Như tại IC Praha thì chúng tôi có thể phân tích trường hợp của du học sinh đó và đưa ra những lời khuyên chính xác.
Bà có thể cho biết số lượng du hoc sinh tại quốc gia nào vi phạm nhiều nhất không ạ?
Rất tiếc là chúng tôi không có dữ liệu cụ thể chính xác về vấn đề này. Nhưng chúng tôi biết rằng số lượng lao động bất hợp pháp đang ngày càng tăng. Và tất nhiên người nước ngoài chiếm đa số như Ukraine, Moldova, và rất tiếc có cả Việt Nam.
Vậy qua những sự việc đó thì theo bà Séc có thắt chặt hơn các quy định về du học không? Và điều có ảnh hưởng đến sự quan tâm của các du học sinh ngoại quốc về việc đến Séc học tập không?
Theo tôi thì, luật pháp Séc không phải quá khắt khe mà quá phức tạp. Trong thực tế chúng tôi có thể nhận thấy rằng chính những người ngoại quốc họ không hiểu những luật pháp liên quan trực tiếp đến họ. Các quy định thì vốn rất phức tạp, không phải chỉ những người ngoại quốc mà chính những chủ sở hữu lao động cũng không nắm hết được. Và họ không biết rằng, người lao động họ nhận được phép hay không được phép đi làm. Một vấn đề nữa tôi muốn đề cập đến là những du học sinh không được phép đi làm tức là họ không được phép tham gia vào thị trường lao động. Nhưng chúng tôi có thể tư vấn cho họ những bước đi đúng luật để được lao động hợp pháp. Ví dụ như xin giấy phép tại sở lao động, giấy phép này cấp cho các du học sinh đang học các khóa dự bị. Và trong trường hợp học sinh quyết định không tiếp tục theo học thì xin thay đổi mục đích cư trú để được cấp thẻ lao động. Quan trọng nhất vẫn là các du học sinh đó nên đến nhờ tư vấn càng sớm càng tốt. Bởi nếu họ đang ở trong trường hợp gần như lao động bất hợp pháp rồi mới đến tư vấn thì có thể rất khó để giải quyết.
Rất cảm ơn những chia sẻ của bà với TamdaMedia!
(BBT TamdaMedia)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này