Du lịch Việt nam: Chuyến đi đến thác Háng Tề Chơ của ông Zdeněk Porkert (Bốc Phét) phần I
CỘNG ĐỒNG, Người Việt tại Séc
author01/11/2022 15:58

Ông Zdeněk Porkert là một người đam mê du lịch và Việt Nam là đất nước mà ông có tình cảm đặc biệt nhất. Tại Việt Nam ông còn được người dân đặt cho cái tên là Bốc Phét nhờ tính cách hài hước của mình. Tất cả các chuyên đi của mình được ông đăng tại web WWW.VIETNAMISTA.CZ. Chúng tôi xin phép dịch lại những bài viết thú vị của ông về các chuyến đi ở Việt Nam.

Cesta k vodopádu Hang Te Cho – Chuyến đi đến thác Háng Tề Chơ

Cẩm nang du lịch này rất ngắn bởi nó chỉ mô tả một chuyến đi 2 ngày. Tuy nhiên sự trải nghiêm quá thú vị đáng để đăng cho mọi người biết và biết đâu sẽ tạo động lực cho những người khác. Việt Nam là một đất nước vẫn chưa được khám phá và thật đáng kinh ngạc khi tại Việt nam lại có thác nước cao gần bằng thác Niagara (50m) mà hầu như không có ai biết đến . Lý do chính là nó nằm tại vùng ngoài các khu du lịch. Tôi biết đến thác nước này sau hàng loạt các chuyến đi đến Nghĩa Lộ và hoàn toàn ngẫu nhiên trong lúc tôi đang buôn với những người bản địa, gần nơi ở của tôi tại Nghĩa Lộ. Tôi đã rất ngạc nhiên bởi một thác nước cao trên 50m phải được nhiều người ghé đến chứ, nó là một nơi hút du khách mà. Tại sao lại không có nhiều người biết đến thác nước này? Dân bản xứ sẽ không đến đây, họ tới làm gì, chỗ đó đâu có gì để ăn. Đối với người Việt nam thì sẽ không lấy du lịch làm giải trí. Phải đến những năm gần đây tại những thành phố lớn như Hà Nội và Sài gòn những thanh niên trẻ mới học được cách đi phượt. Nhất là các nhân viên của những công ty lớn được nghỉ dịp cuối tuần. Nghe nói là đường đến thác nước rất khó đi. Tôi không hiểu lắm tại sao và nhất là mức độ khó khăn như thế nào. Đi xe máy, xe đạp, đi bộ, chắc chắn phải được chứ. Ít nhất sẽ có đường mòn đến đó và đó sẽ là một chuyến đi dạo tuyệt vời. Thấy bảo là có, cũng dễ đi và hơn nữa còn không xa lắm.

Thiên nhiên trên đường đi rất đẹp

Theo tưởng tượng của tôi sẽ là: Đi bộ theo đường mòn cùng với ba lô trên lưng đến tận thác nước, tắm tại chân thác nước, dựng lều trên bờ gần đó, đốt lửa, nướng gì đó, ca hát…Niagara gầm rú tăm tối… đúng thật rất lãng mạng.

Tôi đã nhầm to.

Mùa thu 2016 chúng tôi quyết định đến thác nước với danh sách nhân khẩu quen thuộc. Cô bạn tên Mai của tôi, con gái của chủ nhà nơi tôi hay ở, một cô gái tuyệt với cùng anh trai của cô tên Tùng và bạn của anh ta tên là Cường. 3 thanh niên trẻ người Việt Nam và một ông già người Séc.

Cường là người duy nhất trong nhóm biết đường đến đó. Cậu ta đã từng đến vùng này nhưng chưa đến tận thác nước. Mặc dù có thể tìm được một số thông tin trên mạng về thác nước nhưng chắc chắn đó không phải là nơi mà du khách hay tìm đến. Cùng với sự thi công của đường bê tông thì sẽ ngày một nhiều thêm khách du lịch. Có thể là năm sau sẽ là một chuyến đường thoải mái.

Chúng tôi mang theo lều cho 2 ngày nhưng chỉ có 2 túi ngủ. Cường và Tùng buộc phải dùng chăn. Thời tiết rất ấm nên theo dự đoán sẽ không có vấn đề gì. Chúng tôi không có thảm cách nhiệt. Tôi cũng không quan tâm đến vấn đề ăn uống, Tùng bảo sẽ lo hết.

Như thường lệ cả nhóm khởi hành muộn, khoảng 10 giờ. Mang theo phụ nữ hơn nữa còn là con gái Việt thì đảm bảo phải bị muộn ít nhất 1 tiếng.

Nhóm di chuyển bằng 3 chiếc xe máy, tôi chở cô bạn còn 2 thanh niên kia mỗi người một xe. Xe máy của tôi khỏe nên chắc sẽ không sao.

Đoạn đường đầu tiên không xảy ra vấn đề gì, chúng tôi đi khoảng 10 km về phía nam từ Nghĩa Lộ trên đường cái sau đó rẽ sang hướng tây vào núi theo đường bê tông hẹp. Cả nhóm leo dốc theo đường đó khoảng 8 km thẳng đến một ngôi làng người H Mông tại Phình Hồ. Tôi có nhớ làng này từ chuyến thăm 2 năm về trước. Trước kia đến đây sẽ hết đường bê tông và phải tiếp tục bằng đường núi và đối với xe máy là không thể đi tiếp được. Hiện tại thì đoạn đường nối tiếp đã được giải bê tông. Hơn nữa đường khô nên chúng tôi vẫn di chuyển thoải mái thêm 7km nữa.

Từ đoạn này không còn vui nữa

Tôi dần bắt đầu nghi ngờ về sự hiểm trở và khó khăn. Nhưng bỗng nhiên tất cả kết thúc, con đường bỗng đầy ổ gà gập ghềnh. Nếu đây là mặt đường cũ không bị cày phá bởi máy xúc thì nó vẫn có thể đi được một chút. Nhưng ở đây có vài cái máy xúc đang tiếp tục công việc mở đường, lại là đoạn khó đi nhất. Đá, núi và đường mòn. Có đoạn tôi phải đẩy xe leo dốc rồi lại trượt xuống. Đúng là có vài cô gái người H Mông thoải mái di chuyển trên đường bằng xe mô tô chất đầy củi. Họ đã quen rồi. Chúng tôi đi như vậy khoảng 6 km rồi gặp một chiếc xe tải đang thi công đường và bị nó chặn mất lối đi. Chiếc xe bị mắc không thể đi tiếp hoặc quay lại. Nó cũng không có tời kéo nên tôi thật sự không biết nó sẽ thoát ra thế nào. Bằng một cách nào đó chúng tôi lách được và sau một đoạn lại tiếp tục bằng đường bê tông. Cả nhóm đi đến làng Làng Nhì.

Chiếc xe tải bị mắc kẹt trên đường

Chúng tôi dừng tại một ngôi nhà H Mông. Sau một hồi đối thoại chúng tôi để lại xe máy ở đây. Tại đây chúng tôi sẽ rẽ từ đường chính bên trái sang đường núi hẹp. Thấy bảo là khoảng 10km nữa xe mô tô vẫn có thể đi được, nhưng không phải loại xe máy của chúng tôi.

Người phụ nữ H Mông có biết một chút tiếng kinh, chúng tôi thỏa thuận được với giá 10 nghìn đồng người phụ nữ này sẽ trông xe giúp.

Nơi gưi xe của chúng tôi

Đoạn tiếp theo mặc dù dài nhưng vẫn tương đối dễ đi. Trên đường đúng là có vài người lướt mô tô qua, thật không hiểu sao họ làm được điều đó. Nhưng gặp nhiều nhất là loại ngựa nhỏ thồ củi. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ cả nhóm đi đến bản Tề Chơ và từ đây đã có thể nhìn thấy thác nước từ xa. Dù trời không mưa, đường lại lầy lội, chúng tôi bắt đầu trượt thay vì đi. Tôi tự nhủ là nếu mà trời đổ mưa thì chỉ có trực thăng mới kéo được cả nhóm ra khỏi đây. Hơn nữa đường bắt đầu mất dấu, chúng tôi không biết chắc đi lối nào, ở đây còn có ruộng lúa khiến cả nhóm lún xuống. Tôi dần biến thánh một quả cầu bùn. Mặc kệ dẫm vào cái gì, là bùn, là nước cũng không thể làm tôi ướt thêm được nữa. Tôi đi xăng đan nên ít ra nước sẽ dễ thoát hơn. Trên đường chúng tôi phải leo qua những tảng đá có nước chảy qua.

Đi xăng đan giúp thoát nước

Khoảng 500 mét cạnh thác nước chúng tôi thấy một mái trú, nơi người dân ngủ qua đêm khi làm việc tại ruộng. Cả nhóm bỏ lại tất cả ba lô ở đây để đi tiếp cho nhẹ nhàng. Thật ra chúng tôi trượt tiếp cho nhẹ nhàng.

Còn tiếp…

(nguồn: https://www.vietnamista.cz/cestopisy/cesta-k-vodopadu-hang-te-cho/#!)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil