Lệnh trừng phạt phủ bóng cuộc sống người Nga
KINH TẾ, Kinh tế thế giới
author14/03/2022 10:26

Người Nga bắt đầu cảm nhận được tác động từ các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây, khi giá thực phẩm tăng, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay với Moskva, trong đó có loại các ngân hàng nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT hay bãi bỏ quy chế tối huệ quốc.

Giá tiêu dùng ở Nga đã tăng 2,2% trong tuần đầu chiến dịch, đặc biệt là thực phẩm. Một số cửa hàng đang hạn chế bán các mặt hàng thiết yếu sau khi có nhiều thông tin về xu hướng tích trữ hàng hóa. Giá trị đồng ruble giảm mạnh, khiến nhiều nhà bán lẻ tăng giá hàng hóa.

Daria, sống ở trung tâm Moskva, cho biết các siêu thị chưa lâm vào tình trạng hết hàng. “Thực phẩm sẽ không biến mất, nhưng sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Đắt hơn bao nhiêu, tôi không thể tưởng tượng được và thậm chí không dám nghĩ tới”, cô nói.

Jan, một công dân Liên minh châu Âu đang sống và làm việc tại Moskva, cũng thấy giá cả tăng chóng mặt. “Ngày 20/2, tôi đặt một giỏ đồ tạp hóa với giá 5.500 ruble (khoảng 57 USD) và giờ nó tăng lên 8.000 ruble”, Jan nói, thêm rằng giá sữa tăng gần gấp đôi trong hai tuần qua.

Một người mua hàng đang xem thực phẩm tại siêu thị ở Moskva, Nga hồi tháng 12/2021. Ảnh: AFP.

Giá đường và ngũ cốc hồi tháng 2 đã cao hơn khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng thông tấn TASS cho biết một số nhà bán lẻ đã đồng ý không tăng giá quá 5% đối với một số mặt hàng chủ lực. Những hãng khác đang hạn chế lượng nhu yếu phẩm như bột mì, đường và dầu ăn mà mỗi người tiêu dùng có thể mua.

Daria đã quyết định tích trữ đồ. “Chúng tôi đã mua 4 kg cà phê, 4 lít dầu hướng dương, 4 lít dầu ô liu và 4 chai rượu whisky”, cô nói. Cô còn đặt hàng sẵn thuốc điều trị huyết áp cao đủ dùng trong ba tháng, bởi một số loại thuốc đã trở nên khó mua hơn.

Giá của một số thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh và TV cũng đã tăng hơn 10%. Daria đã mất rất nhiều thời gian cân nhắc về việc mua một máy tính xách tay mới, nhưng đã nhanh chóng chốt mua khi thấy giá liên tục tăng gần đây.

“Vào đầu tháng 2, chúng có giá khoảng 70.000 ruble (730 USD), nhưng tới cuối tháng đã tăng lên 100.000 ruble. Đây là mức giá mà tôi đã trả. Sau đó, nó tiếp tục tăng lên 140.000 ruble trước khi hết hàng ở Moskva”, Daria chia sẻ.

Sau khi Apple hôm 2/3 thông báo sẽ ngừng bán trực tiếp tất cả sản phẩm tại Nga, nhiều người đã đổ xô đi mua sạc iPhone. “Chúng tôi lẽ ra cũng nên mua. Chúng tôi thường đùa nhau rằng mình đang có những chiếc iPhone cuối cùng”, cô nói.

Advertising

Ôtô mới, linh phụ kiện và xăng dầu cũng tăng lên. “Chúng tôi đã mua sẵn dầu nhớt cho kỳ bảo dưỡng xe tiếp theo. Chúng tôi mua chúng ngay trước khi giá tăng gần gấp đôi”, Daria cho hay.

Pavel, một giảng viên đại học, đang tìm mua đồ nội thất cho căn nhà của vợ chồng anh cùng hai con ở Moskva. Ngày 24/2, khi thấy một số đồ tăng giá gần 30%, Pavel vội mua tủ lạnh, bếp, máy giặt, ấm đun nước, đồng thời đặt một chiếc giường và tủ từ hãng Ikea chỉ một ngày trước khi họ đóng cửa.

“Họ đơn giản không có thời gian để tăng giá”, anh nói.

McDonald’s, một trong những công ty phương Tây đầu tiên hoạt động tại Liên Xô 30 năm trước, cũng thông báo đóng 847 cửa hàng ở Nga. Trong vòng vài giờ sau thông báo, hàng nghìn quảng cáo bán lại món ăn từ các cửa hàng này xuất hiện, với giá gấp 10 lần thông thường.

Người dân Nga ngồi ăn tại một cửa hàng McDonald’s ở Moskva hôm 9/3. Ảnh: Anadolu Agency.

Nhưng Vladimir, người sống ở Saratov, phía tây nam nước Nga, cho biết ông chưa cảm nhận được tác động của lệnh trừng phạt. “Vatniki (những người ủng hộ Điện Kremlin) sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của đồng ruble, bởi họ không mua hàng hóa nước ngoài đắt tiền”, ông nói.

Ngân hàng trung ương Nga dự báo nền kinh tế nước này có thể giảm 8% vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

“Tình hình đã tác động lớn đã hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, Natasha, người làm việc trong ngành thể hình, nói. “Số lượng khách hàng của chúng tôi đã giảm. Mọi người đang yêu cầu chúng tôi hoàn tiền thành viên câu lạc bộ. Chi phí thuê nhà, thiết bị và dọn dẹp đều tăng lên”.

Natasha dự đoán nhiều doanh nghiệp như của cô sẽ phải đóng cửa, khi họ không thể tìm được nhà sản xuất trong nước để thay thế các thiết bị nhập khẩu.

Ekaterina, người điều hành một số trường ngoại ngữ, cho biết các biện pháp trừng phạt đã gây rắc rối cho cô. “Chúng tôi có giáo viên từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng giờ không thể trả tiền lương cho họ vì tất cả hệ thống giao dịch bị đóng băng. Học viên ở Mỹ, Đức và Latvia cũng không thể trả học phí cho chúng tôi qua giao dịch tài khoản. Chúng tôi đã cố gắng tìm cách để xoay xở, nhưng giờ mỗi ngày đều bắt đầu bằng việc đối mặt với các khủng hoảng mới”, Ekaterina nói.

Ekaterina lo lắng không thể tiếp tục các bài học nhóm quốc tế nếu Zoom bị chặn, đồng thời cho biết đã gặp rắc rối vì nền các nền tảng trực tuyến của cô được duy trì bởi một công ty ở Ukraine.

“Mọi thứ đã lập tức dừng lại dù chúng tôi đã làm việc với họ trong nhiều năm. Chúng tôi đã hài lòng khi làm việc với họ. Giờ chúng tôi thấy buồn cho họ và cho chính mình, khi tất cả chúng tôi phải rơi vào tình cảnh này”, cô nói.

Natasha cảm thấy khó có thể quen với những thay đổi này. “Đây là một loại khủng hoảng hoàn toàn mới khiến chúng tôi cảm thấy lạc lõng và hoang mang. Không chỉ trong kinh doanh và trong chính cuộc sống của chúng tôi. Mất thu nhập, từ bỏ lối sống trước đây, giảm kết nối kể cả trên mạng xã hội, không thể đi nước ngoài để gặp gỡ gia đình, bạn bè. Có rất nhiều thứ chúng tôi đã mất và không thể nào hiểu nổi”, cô nói.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil