“Một người đàn ông đang rơi”
Tin thế giới, Tin tức
author11/09/2021 10:25

20 năm sau ngày 11/9/2001, bức ảnh chụp một người đàn ông rơi xuống từ tòa tháp đôi ở Mỹ vẫn là biểu tượng gợi nhắc vụ tấn công khủng bố kinh hoàng này.

Người đàn ông đó lao xuống như một mũi tên. Dù không thể lựa chọn số phận của mình, dường như người đàn ông này đã chấp nhận nó trong những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời.

Hai mươi năm sau, hình ảnh cuối cùng của người đàn ông đó vẫn là biểu tượng cho những khoảnh khắc cuối cùng của tòa tháp đôi ở New York trong ngày 11/9/2001.

Khi biên tập viên của kênh CNN thông báo một chiếc máy bay đã đâm vào tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở thành phố New York, Mỹ, Richard Drew, phóng viên ảnh với nhiều năm kinh nghiệm, nhanh chóng chuẩn bị đồ nghề vào một chiếc túi và nhảy lên tàu điện ngầm, tiến vào trung tâm thành phố. Ông là hành khách duy nhất trên chuyến tàu sáng ngày 11/9/2001 đó, theo Esquire.

Không lâu sau, phóng viên này bắt đầu chụp những bức ảnh đầu tiên về hiện trường vụ tấn công WTC. Một trong số đó sau này trở thành bức ảnh biểu tượng của vụ khủng bố kinh hoàng ấy. Bức ảnh được đặt tên là “The Falling Man” (tạm dịch: Người Đàn Ông Đang Rơi) – chụp lại cảnh một người đàn ông nhảy xuống từ tòa tháp bị tấn công.

Hai thập kỷ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, bức ảnh của phóng viên Drew vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ vì nó cho thấy mức độ tàn khốc của vụ khủng bố, và những mất mát mà người dân Mỹ phải chịu đựng.

Bức ảnh khác lạ mang tính biểu tượng

Trong bức ảnh “The Falling Man”, người đàn ông đó lao xuống như một mũi tên. Dù không thể lựa chọn số phận của mình, dường như người đàn ông này đã chấp nhận nó trong những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời.

Nếu bối cảnh không cho thấy anh ta đang rơi từ tầng cao xuống, có lẽ ai đó sẽ lầm tưởng người này đang bay, tận hưởng cảm giác xuyên qua bầu không khí.

Anh ta trông có vẻ thư thái, không hề sợ hãi trước lực hút kinh hoàng của trọng lực và trước những gì đang chờ đợi dưới mặt đất.

khung bo 11/9 anh 2
Bức ảnh “The Falling Man” của phóng viên ảnh Richard Drew. Ảnh: AP.

Hai cánh tay của người đàn ông duỗi dài theo thân người, chỉ hơi chếch ra một chút. Đầu gối chân trái hơi cong, chỉ như tình cờ. Anh ta mặc áo sơ mi trắng, áo khoác và quần đen, đi giày đen cao cổ.

Trong những bức ảnh khác chụp những người nhảy xuống từ tòa tháp đôi ngày 11/9/2001 ở Mỹ, họ dường như đang vật lộn với những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Họ xuất hiện trên nền bối cảnh tòa tháp đôi với những bức tường khổng lồ đang bốc cháy.

Một vài người trong số họ cởi trần, giày bay ra và rơi xuống. Họ trông bối rối, như thể đang cố bơi xuống một vách núi.

Trái lại, người đàn ông trong bức ảnh này rơi trong tư thế thẳng đứng, gần như song song với tòa nhà phía sau. Anh ta ngăn đôi bức ảnh ra làm hai phần: phía bên trái anh ta là tòa tháp Bắc, còn bên phải là tòa tháp Nam.

Trong bài viết của tạp chí Esquire, tác giả cho rằng có cái gì đó gần như nổi loạn trong tư thế rơi của người đàn ông, như thể trước cái chết không thể tránh khỏi, anh ta quyết định nương theo nó.

Người đàn ông trông giống như một tên lửa, một ngọn giáo đang cố gắng bay đến đích của mình. Thời điểm bức ảnh này được chụp là 9 giờ 41 phút 15 giây sáng ngày 11/9 (giờ địa phương). Tốc độ rơi của người đàn ông trong ảnh đang tăng lên theo cấp số nhân. Không lâu sau khoảnh khắc này, anh ta sẽ rơi với tốc độ 241,4 km/h, trong tư thế lộn ngược.

Bức ảnh chỉ bắt được khoảnh khắc lơ lửng trong không trung của anh, còn bên ngoài bức ảnh, người đàn ông ấy đã rơi, tiếp tục rơi xuống cho đến khi biến mất vào tro bụi.

“Nhảy xuống chỉ để hít thở lần cuối trước khi chết”

Không lâu sau khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa tháp Bắc, người bên trong bắt đầu nhảy xuống. Và họ tiếp tục lao xuống như thế cho đến khi tòa tháp đổ sập.

Họ nhảy qua cửa sổ vỡ, thập chí tự đập cửa ra để nhảy xuống. Họ nhảy để thoát khỏi khói và lửa, khi trần nhà và sàn nhà sụp xuống. Họ nhảy ra chỉ để được hít thở một lần cuối trước khi chết.

Từ bốn phía của tòa nhà, liên tục có người nhảy xuống. Họ nhảy khỏi văn phòng của Marsh & McLennan, công ty bảo hiểm; từ văn phòng của Cantor Fitzgerald, công ty kinh doanh trái phiếu; từ Windows on the World, nhà hàng ở tầng 106 và 107 – những tầng trên cùng.

Trong hơn một tiếng rưỡi, họ tạo thành dòng người trút xuống từ tòa tháp, người này nối tiếp người kia chứ không ồ ạt, như thể mỗi người đi sau muốn nhìn thấy người đi trước nhảy như thế nào để có đủ can đảm tự lao xuống.

Theo Esquire, một bức ảnh được chụp từ xa cho thấy một nhóm người nhảy theo thứ tự giống như những người nhảy dù, tạo thành vòng cung gồm ba người đang lao xuống, và họ cách đều nhau.

khung bo 11/9 anh 3
Nhiều người khác ở trong tòa tháp đôi của WTC cũng chọn cách nhảy xuống từ tầng cao trong vụ khủng bố 11/9/2001. Ảnh: AP.

Thật vậy, truyền thông khi đó cũng ghi nhận nhiều trường hợp người nhảy xuống từ tòa tháp đôi sử dụng khăn trải bàn hay mảnh vải nào đó làm dù. Tuy nhiên, những đồ vật này đều bị xé toạc trong không khí, tuột khỏi tay họ. Rõ ràng khi rơi xuống, những người này đều còn sống, và họ đã lao đi trong không khí khoảng 10 giây trước khi tiếp đất.

Khung cảnh ấy khiến những nhân chứng dưới mặt đất cảm thấy kinh hãi. Đây là cảnh tượng họ chưa từng thấy, và cũng không bao giờ muốn thấy lần thứ hai.

Mỗi khi có một người từ tòa tháp nhảy xuống, những người chứng kiến đều như bị giáng một đòn kinh hoàng. Trong khi người trên không trung lộn nhào, người ở dưới mặt đất la hét thất thanh.

“Chúa ơi! Hãy cứu lấy linh hồn họ! Họ đang nhảy! Ôi, làm ơn Chúa ơi! Hãy cứu lấy linh hồn họ!”, một người phụ nữ thốt lên, theo Esquire.

Phải mất một lúc những người chứng kiến mới tin được cảnh tượng trước mắt không phải là một bộ phim, mà là vụ tấn công không thể tưởng tượng được.

Về sau, người Mỹ dùng nhiều từ để diễn tả cách những nạn nhân này phản ứng trước vụ việc, gọi họ là những người anh hùng, người tử vì đạo… và cũng là những người thiệt mạng trong một vụ tự sát.

“Tượng đài cho người lính vô danh”

Sau khi ghi lại được khoảnh khắc ấy, Richard Drew gửi bức ảnh cho hãng thông tấn AP và ngay sáng hôm sau, bức ảnh này xuất hiện trên trang thứ 7 của tờ New York Times. Nó xuất hiện trên hàng trăm tờ báo khác khắp nước Mỹ và trên toàn thế giới. Tại thời điểm đó, người đàn ông trong bức ảnh vẫn chưa được xác định danh tính.

Trêu hầu hết báo chí Mỹ, bức ảnh “The Falling Man” của Richard Drew chỉ được đăng duy nhất một lần và không bao giờ được đăng lại.

Một số tờ báo trên khắp nước Mỹ, như Fort Worth Star-Telegram đến Memphis Commercial Appeal và The Denver Post, đã buộc phải tự bào chữa trước những cáo buộc cho rằng họ khai thác lợi ích từ cái chết của người đàn ông, tước bỏ phẩm giá và xâm phạm quyền riêng tư của người này.

Hầu hết thư khiếu nại gửi đến các tòa soạn đều cho rằng người quen của người đàn ông sẽ nhận ra anh ta khi nhìn vào bức ảnh.

khung bo 11/9 anh 4
Người dân kinh hãi khi phải chứng kiến cảnh hai tòa tháp bốc cháy với hàng nghìn người kẹt lại bên trong ngày 11/9/2001. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, ngay cả khi bức ảnh của Drew sau đó trở thành biểu tượng không thể chối cãi của vụ khủng bố kinh hoàng, người trong ảnh vẫn chưa được xác định danh tính.

Cuối cùng, sau khi điều tra, Peter Cheney, phóng viên của tờ Toronto Globe and Mail cho rằng người trong ảnh là Norberto Hernandez. Tuy nhiên theo tờ Esquire, đây có thể là một người khác, Jonathan Briley.

Cho đến thời điểm này, điều duy nhất có thể chắc chắn là vào lúc 9 giờ 41 phút 15 giây ngày 11/9/2001, nhiếp ảnh gia Richard Drew đã chụp được bức ảnh một người đàn ông rơi xuống từ ngọn tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) trước khi chúng sụp đổ.

Bức ảnh được đăng tải trên khắp thế giới, rồi sau đó không xuất hiện trở lại nữa. Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại đã trở thành một ngôi mộ vô danh, và người đàn ông được chôn vùi trong khoảnh khắc ấy cũng trở thành một người lính vô danh trong cuộc chiến vẫn còn chưa kết thúc.

“Bức ảnh của Richard Drew là tất cả những gì chúng ta biết về người đàn ông này… Bức ảnh là bia mộ của anh ấy, và giống như những tượng đài dành để tưởng nhớ những người lính vô danh khác, chúng ta cần nhìn vào nó và ghi nhận một cách giản đơn, rằng chúng ta đều biết ‘The Falling Man’ đó là ai”, Esquire viết.

(Nguồn: Zing)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil