Tết Đoan Ngọ tại Séc
ẨM THỰC, CỘNG ĐỒNG, Người Việt 5 châu,
author11/06/2021 12:45

Cộng hòa Séc tất nhiên không có ngày lễ này. Nhưng cộng đồng Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng ở đây vẫn luôn cố gắng duy trì những ngày lễ truyền thống của mình cho dù ở nơi đất khách quê người.

Tết Đoan Ngọ còn gọi là “Tết Mùng 5 Tháng 5” hoặc Tết Đoan Dương, nó diễn ra vào mùng 5/5 âm lịch hàng năm và trở thành truyền thống bao thế kỷ qua. Tết Đoan dương được hiểu đơn giản, “đoan” có nghĩa là mở đầu, “ngọ” hay “dương” được hiểu là giữa trưa, là khí dương. Đoan ngọ hay đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Tết Đoan Ngọ là một phong tục Lễ Tết xuất hiện ở nhiều nước không chỉ riêng Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc…Ở mỗi quốc gia lại có một sự tích riêng về ngày Tết này và có cách đón Tết Đoan Ngọ rất khác nhau. Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông và gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Ở Việt Nam tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên khá dân dã đó chính là “Tết giết sâu bọ”. Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.

Còn ở Cộng hòa Séc thì sao?

Cũng nhờ cuộc sống ngày càng hiện đại, các phương tiện vận chuyển phát triển không ngừng khiến cho nguyên liệu để làm những món ăn truyền thống không còn là điều khó khăn đối với người Việt ở nước ngoài nữa.

Tết Đoan Ngọ ở các nước có cộng đồng Việt đông đúc như Cộng hòa Séc, chúng ta dễ dàng tìm thấy những bánh chưng gù, những rượu nếp, những bánh tro, thịt vịt hay hoa quả đặc trưng cho ngày lễ này như vải thiều, xoài mận… trong các cửa hàng thực phẩm Châu Á hay đặt online qua những gia đình chuyên phục vụ đồ ăn truyền thống.

Chị Mạc Bống, đang sinh sống tại Praha là một trong những người làm nghề nấu các món ăn vặt truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, bánh gai, bánh gấc, bánh bột lọc, bánh xèo, bánh tro, các loại giò chả ruốc, các món chè giải nhiệt vân vân, cho biết: “Vào dịp Tết Đoan Ngọ, gia đình chị sẽ nhận được những đơn đặt hàng cho món rượu nếp cái và rượu nếp cẩm lên đến hàng chục cân. Bánh tro cũng phải chuẩn bị tới hơn 200 cái mới đủ phục vụ những khách hàng quen thuộc.”

Theo quan niệm của nhiều người, bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại, chúng thường nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng tiêu diệt được. Chỉ vào ngày 5 tháng 5 âm lịch, các loại ký sinh này thường ngoi lên, chúng ta mới có thể tận dụng để loại bỏ chúng bằng cách ăn những thức ăn có vị chua, cay, chát, trong đó nổi bật nhất là rượu nếp hay nếp cẩm. Đặc biệt, nếu thưởng thức món rượu này vào buổi sáng, ngay khi thức dậy thì càng hiệu nghiệm.

Tương tự,  với mong muốn “tiêu diệt sâu bệnh” bên trong cơ thể, người ta lựa chọn các loại quả có vị chua như mận, xoài xanh hay vải thiều… Và đây cũng là những thứ quả “mùa nào thức nấy” rất sẵn có vào dịp này ở Việt Nam.

Tại Séc, tuy rằng giá thành của thực phẩm từ Châu Á, nhất là một số loại hoa quả nhiệt đới sau khi nhập sang sẽ cao hơn rất nhiều, nhưng bà con người Việt để duy trì các nét văn hóa truyền thống sẽ không ít thì nhiều vẫn mua về làm lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên và ăn mừng mùa vụ như bao đời nay.

(BBT TamdaMedia)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil