Từ ngày 1 tháng 7, bộ luật dân sự sửa đổi chính thức có hiệu lực tại Cộng hòa Séc, mang lại những cải cách quan trọng nhằm bảo vệ tốt hơn các nạn nhân của bạo lực gia đình.

Luật mới làm rõ khái niệm bạo lực gia đình là gì, ai có thể là thủ phạm và hành vi nào bị buộc rời khỏi nhà trong vòng 14 ngày hay mất quyền nuôi con. Đồng thời, các quyền lợi mới của nạn nhân cũng được quy định rõ ràng hơn.
Định nghĩa bạo lực gia đình một cách rõ ràng
Luật sửa đổi đưa ra định nghĩa pháp lý rõ ràng cho khái niệm “bạo lực gia đình”: đó là hành vi bạo lực đối với nạn nhân dưới bất kỳ hình thức nào, thường đi kèm với việc lạm dụng quyền lực hoặc sự bất bình đẳng trong mối quan hệ.
Cụ thể, bạo lực gia đình là khi:
- Có sự xâm phạm không chính đáng đến cơ thể, tinh thần, tự do, nhân phẩm, danh dự hoặc đời sống riêng tư của nạn nhân, đặc biệt là trong môi trường thân thiết.
- Hành vi của thủ phạm đe dọa hoặc gây trở ngại nghiêm trọng đến khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của nạn nhân hoặc của các thành viên khác trong cùng gia đình.
Người bị coi là nạn nhân không nhất thiết phải sống chung với thủ phạm, mà có thể là người thân hoặc là cha mẹ của con chung.
Bộ trưởng Tư pháp Eva Decroix nhấn mạnh: “Việc đưa định nghĩa rõ ràng về bạo lực gia đình vào luật là bước tiến quan trọng giúp các cơ quan chức năng không xét các hành vi riêng lẻ mà coi hành vi trong bối cảnh toàn diện, để đảm bảo nạn nhân được bảo vệ đúng mức.”
Tạm thời trục xuất thủ phạm ra khỏi nhà và tịch thu vũ khí
Thời gian buộc người gây bạo lực phải rời khỏi nơi cư trú tăng từ 10 lên 14 ngày. Mỗi năm, cảnh sát Séc buộc hơn 1.200 người rời khỏi nhà do liên quan đến bạo lực gia đình.
Nếu thủ phạm sở hữu vũ khí, cảnh sát có nghĩa vụ phải thu giữ trong quá trình xử lý.
Thống nhất cách tiếp cận giữa các cơ quan chức năng
Luật mới quy định rõ cách phối hợp giữa cảnh sát, viện kiểm sát, tòa án và các trung tâm hỗ trợ như tổ chức phi lợi nhuận. Trước đây, mỗi cơ quan hay từng vùng có thể hiểu và xử lý khái niệm “bạo lực gia đình” khác nhau. Việc thống nhất này sẽ giúp tăng hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ nạn nhân.
Ảnh hưởng đến tranh chấp con cái và tài sản
Bạo lực gia đình giờ đây là yếu tố pháp lý phải được xem xét trong các vụ tranh chấp tài sản của vợ chồng hoặc tranh quyền nuôi con. Một số điều luật liên quan đã được sửa đổi theo quy định này.
Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh: “Là luật sư chuyên về quyền trẻ em, tôi hoan nghênh việc các tòa án sẽ bắt đầu xét đến yếu tố bạo lực gia đình trong các vụ xử lý quyền nuôi con.”
Quyền của nạn nhân được mở rộng
Luật về xử phạt hành chính cũng được điều chỉnh để nạn nhân bạo lực gia đình có quyền tương tự như “nạn nhân dễ bị tổn thương” trong tố tụng hình sự.
Nạn nhân có quyền:
- Được người đáng tin cậy đi cùng
- Nhà chức trách có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để tránh xảy ra tiếp xúc trực tiếp với thủ phạm
- Yêu cầu tòa án cấp bồi thường phí tố tụng
Ai thường là thủ phạm?
Theo báo cáo thường niên của Viện kiểm sát tối cao (NSZ) công bố ngày 1.7:
- 35% là thành viên trong gia đình
- 32% là người yêu cũ
- 25% là bạn tình hiện tại
Gần 1/3 phụ nữ từng là nạn nhân
Khoảng 30% phụ nữ và hơn 10% nam giới tại Séc từng có trải nghiệm với bạo lực gia đình. Tuy nhiên, chỉ 1/5 số nạn nhân báo cáo vụ việc với cảnh sát. Hầu hết chia sẻ với người nhà, trong khi 20% tìm đến chuyên gia tâm lý.
Hằng năm, cảnh sát ghi nhận:
- Khoảng 500 vụ ngược đãi người cùng cư trú
- Hơn 70 vụ giết người liên quan đến quan hệ cá nhân
- Trên 700 vụ cưỡng hiếp
Cơ quan bảo vệ trẻ em xử lý khoảng 2.500 vụ bạo lực gia đình xảy ra trong các gia đình có trẻ nhỏ.
Số vụ tăng, nhưng số người bị truy tố không tăng tương ứng
Báo cáo của NSZ cũng cảnh báo sự mất cân đối:
Dù số lượng vụ việc được báo cáo tăng liên tục (trừ năm 2020 là ngoại lệ), nhưng số người thực sự bị truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn giữ nguyên.
Ví dụ:
- Năm ngoái có 535 vụ ngược đãi người sống trong gia đình, nhưng chỉ 287 người bị truy tố – tức chỉ quá 50%
- Trong 262 vụ liên quan đến ngược đãi người được bảo hộ (ví dụ trẻ em), chỉ 138 người bị xử lý
NSZ nhận định tình trạng này là "vấn đề nghiêm trọng", có thể liên quan đến thiếu nhân lực chuyên môn như chuyên gia tâm lý/psychiatr cần thiết cho các vụ án nhạy cảm.
Luật mới có hiệu lực từ đầu tháng 7 không chỉ làm rõ khái niệm bạo lực gia đình và mở rộng quyền cho nạn nhân, mà còn yêu cầu các cơ quan áp dụng thống nhất cách giải quyết và xử lý hiệu quả hơn vấn nạn đang ngày một gia tăng này.
(Theo Novinky)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này