Đèn cù được làm như thế nào?
Mẹo vặt cuộc sống, Tin nổi bật, Văn hóa và du lịch
author01/10/2020 07:01

TDM – Đèn cù (đèn ông sư) là món đồ chơi Trung Thu truyền thống của trẻ em. Cái tên đèn ông sư hay đèn cù xuất phát từ hình dáng chao đèn giống mũ hòa thượng và khi di chuyển đèn sẽ quay như cái cù.

Để làm được những chiếc đèn cù cho trẻ em chơi dịp Trung thu, gia đình nghệ nhân Đỗ Văn Kỳ (ở thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái (Thường Tín, Hà Nội) phải bắt đầu công việc từ tháng 6 đến giữa tháng 8 (âm lịch) hàng năm. 
Ông chia sẻ để làm được một chiếc đèn cù thường mất khoảng 20 phút nhưng các nguyên liệu đều phải được chuẩn bị quanh năm và các công đoạn đều phải thực hiện thủ công, từ chẻ nứa, vót nan cắm vào bánh xe, dán giấy bóng kính, vẽ họa tiết…
Trước kia, cán đèn làm bằng đay có thể mua ở Hưng Yên nhưng thời điểm hiện tại, gần như không còn ai làm đèn cù nữa nên gia đình ông Kỳ phải tự trồng ở rìa làng.
“Trước kia, nhiều hộ dân trong làng làm đồ chơi Trung thu truyền thống nhưng do nguồn thu không nhiều nên họ chuyển nghề khác”, ông Kỳ chia sẻ. 
Nứa để làm chao đèn cũng phải được chọn mua từ những ngày cuối năm trước. Sau khi luộc xong, mang nứa phơi dưới nắng nhằm tránh mọt cũng như có độ dẻo dai nhất định.
Công đoạn khó nhất để làm ra chiếc đèn là khi uốn thành khung, đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ và có tay nghề.
Chao đèn có 6 cánh, được dán giấy bóng kính bắt mắt, thường là 2 màu vàng, 2 màu đỏ, 1 màu xanh và 1 màu tím
Dán giấy bóng kính là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo nhất. Lượng hồ phải được phết đều tay, vừa phải không giấy sẽ bị rách.
Chiếc chao đèn sau khi được dán giấy có màu sắc rực rỡ, lấp lánh và được trang trí bằng những hình vẽ đơn giản là à hoa đồng tiền và bó lúa, tượng trưng cho văn hóa Việt Nam. 
Đèn quay nhờ bánh xe làm từ gỗ xoan, gỗ bồ đề, một cạnh tiếp xúc với đế đèn, cạnh kia lăn trên đất. Những điểm tiếp xúc đều được cố định bằng đinh sắt.
Đèn cù được hoàn chỉnh khi chao đèn được gắn vào cán đèn. Trẻ em có thể cắm nến vào giữa chao đèn, cầm cán đẩy đèn trên mặt đất. 
Mỗi dịp Trung thu, gia đình ông Kỳ làm ra khoảng 3.000 chiếc đèn cù phục vụ trẻ em chơi Tết Trung thu. Những chiếc đèn của gia đình được bán chủ yếu ở phố Hàng Mã (Hà Nội), từ đó phân phối đi các nơi. 
Ngày nay, những món đồ chơi hiện đại, hấp dẫn dần xâm chiếm thị trường khiến đèn cù không được ưa thích như trước nhưng nghệ nhân Đỗ Văn Kỳ và con cháu vẫn miệt mài làm đèn để giữ lửa nghề cũng như mong ước mang đến cái Tết Trung thu đủ đầy ý nghĩa cho trẻ em.

(Nguồn: VOV)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil